Khai thác giá trị hệ thống di sản Hà Nội để phát triển du lịch

Hà Nội có hệ thống di sản phong phú, gắn với lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long-Hà Nội, tuy nhiên việc khai thác lợi thế của di sản để phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng.
Khai thác giá trị hệ thống di sản Hà Nội để phát triển du lịch ảnh 1Du khách tham quan Di sản Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)

Hà Nội là nơi có hệ thống di sản phong phú, gắn với lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long-Hà Nội, tuy nhiên, việc khai thác lợi thế của di sản để phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng, cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa du lịch và di sản.

Tọa đàm về khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch, kết nối chương trình tham quan Hà Nội với di sản Hoàng thành Thăng Long tổ chức ngày 26/11 tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã đề cập đến vấn đề này.

Mối quan hệ khăng khít giữa du lịch và di sản

Theo đánh giá của cả những người làm văn hóa và du lịch, giữa di sản và du lịch thực sự cần gắn kết với nhau, bởi, di sản là tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch, ngược lại du lịch là con đường hiệu quả nhất trong quảng bá, giới thiệu giá trị di sản đến rộng rãi du khách trong và người nước.

Thông qua du lịch, người dân thực hiện quyền được hưởng thụ giá trị văn hóa. Chính vì vậy, di sản và du lịch cần phải "bắt tay" nhau một cách chặt chẽ như hai trong một để thực hiện lợi ích song phương.

Thời gian qua, nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh, phát huy giá trị của di sản thông qua du lịch và ngược lại du lịch có đóng góp đáng kể, thậm chí đóng góp cao nhất trong quảng bá giới thiệu di sản cũng như đóng góp trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đó.

Một mặt, trong quá trình khai thác du lịch, nhiệm vụ bảo tồn luôn đặt lên hàng đầu, nếu trong bảo tồn mà không khai thác vừa lãng phí, vừa đuối sức.

Nhiều người cho rằng, quá trình gìn giữ giá trị văn hóa, nếu biết khai thác thì không những không ảnh hưởng mà còn tôn vinh văn hóa.

Với ngành du lịch, ngoài nhiệm vụ quảng bá thì nhiệm vụ kinh doanh rất rõ ràng và họ coi di sản là sản phẩm du lịch có thể bán được, có thể biến thành lợi ích kinh tế.

Trong số các sản phẩm tour tuyến du lịch do các công ty lữ hành Hà Nội xây dựng, các điểm đến di sản chiếm tỷ trọng lớn. Trong đó, Hoàng thành Thăng Long chính là điểm đến mới, hấp dẫn được rất nhiều các doanh nghiệp du lịch lựa chọn.

Bà Từ Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc Công ty Asialand Travel cho biết: “Khách du lịch đến Hà Nội đều đánh giá tốt về các điểm du lịch Hà Nội. Đặc biệt Hoàng thành Thăng Long là điểm mới. Một số đoàn của Asialand Travel đến đây tham quan cũng có những đánh giá tích cực. Hy vọng thời gian tới các đoàn đến đây nhiều hơn, quảng bá cho du lịch Hà Nội nói chung, Hoàng Thành Thăng Long nói riêng”.

Vẫn còn những bất cập

Tuy nhiên, việc phát huy các giá trị di sản thông qua con đường du lịch hay việc khai thác các giá trị di sản để phát triển du lịch tại Hà Nội chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Mấu chốt là sự liên kết giữa hai bên chưa bền chặt. Tại các điểm di sản còn tồn tại nhiều hạn chế để có thể phát triển du lịch tốt hơn.

Ngay tại Hoàng thành Thăng Long, mặc dù đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới nhưng lượng khách đến đây còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng của một khu di sản.

Nguyên nhân trước hết là Hoàng thành Thăng Long không còn những di tích, cung điện nguy nga, kỳ vĩ. Các giá trị khảo cổ học, bề dày lịch sử trải qua hàng nghìn năm lịch sử không dễ nhận biết nếu không có sự giới thiệu, tìm hiểu thật thấu đáo.

Một mặt, tại đây chưa có sự đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng, không nhiều hoạt động văn hóa sinh động, các công ty lữ hành cũng chưa mặn mà kết nối tour.

Với góc nhìn của một doanh nghiệp lữ hành, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist khẳng định, việc kết nối giữa du lịch và di sản thực hiện thường xuyên nhưng chưa đạt chuẩn. Cái khó nhất là người có trách nhiệm bảo tồn, tôn vinh di sản không phải là người khai thác du lịch theo hướng kinh tế. Còn phía du lịch, không có quyền tự ý khai thác.

“Thời gian qua, mối liên kết giữa du lịch và di sản chưa tốt. Nhiều công ty cơ bản thụ động, có gì bán nấy, khai thác nấy. Nay mối quan hệ này cần thay đổi, du lịch cần phối hợp với ngành văn hóa đưa ra sản phẩm chuẩn để hai bên cùng có lợi.” Ông Lưu Đức Kế khẳng định.

Còn giáo sư sử học Lê Văn Lan, người có nhiều gắn bó với Hoàng thành Thăng Long cho rằng, đối tượng đến đây để thực sự tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử của di sản không nhiều. Nhiều người tỏ ra thất vọng vì không còn nhiều các công trình kiến trúc giống như Cố đô Huế.

Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản văn hóa thế giới, nơi này được đầu tư hơn nhưng chưa tạo được sự sinh động để thu hút khách.

Thắt chặt mối quan hệ giữa du lịch với di sản

Trước thực tế đó, việc gắn kết giữa du lịch và di sản cần phối hợp chặt chẽ hơn để hoạt động tại di sản thêm phần sống động, di sản có nhiều cơ hội quảng bá giá trị đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Ngược lại, du lịch có thêm sản phẩm để thu hút du khách.

Những người làm du lịch mong muốn, các điểm di sản cần tiếp tục nghiên cứu để mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của di tích, khai thác, phát huy giá trị của di sản, đồng thời hiểu tâm lý của khách du lịch cần lựa chọn cái gì, nhấn mạnh cái gì để phù hợp với xu hướng, thị hiếu của du khách.

Ngoài ra, các điểm di sản cũng cần tổ chức không gian di sản như thế nào, tổ chức hoạt động tham quan ra sao, tổ chức dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho du khách. Ví như, bán hàng lưu niệm, hoạt động văn hóa nghệ thuật, các lễ hội, triển lãm phù hợp với tính chất của di sản đồng thời nâng cao tính hấp dẫn của di sản.

Một mặt, sự liên kết này không thể thiếu được sự vào cuộc, định hướng của các cơ quan chức năng, mối quan hệ giữa ban quản lý di tích với các doanh nghiệp lữ hành, công tác tuyên truyền, quảng bá di sản. Thậm chí, thông qua chương trình, kế hoạch, đề xuất dự án để từ đó kêu gọi đầu tư dự án, đề xuất chính sách ưu đãi, từng bước triển khai cho đồng bộ.

Ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng, cuộc tọa đàm chính là cơ hội để hai bên hiểu nhau hơn, đặc biệt di sản hiểu hơn mong muốn, nguyện vọng, đề xuất, yêu cầu của du lịch để có sự phối hợp đồng bộ.

Từ đó doanh nghiệp du lịch thực sự chủ động, tích cực quảng bá giới thiệu thu hút khách, đưa điểm di sản vào sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Thông qua buổi tọa đàm, cả những người làm du lịch lẫn người làm văn hóa, mà trực tiếp là những người thực hiện công tác bảo tồn Hoàng thành Thăng Long đều kỳ vọng tháo gỡ một phần bất cập, tìm được tiếng nói chung để cùng nhau khai phát, phát huy giá trị di sản.

Mấu chốt để đưa di sản đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, du khách hiểu hơn về các giá trị có ý nghĩa toàn cầu của di sản, cùng chung tay bảo vệ di sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục