Trong hành trình khám phá Chiang Rai, du khách sẽ không thể bỏ qua khu vực tam giác vàng giáp biên giới với hai nước láng giềng của Thái Lan là Lào và Myanmar.
Nơi đây từng là trọng điểm buôn bán ma túy của thế giới, nhưng nay lại trở thành điểm du lịch và vận tải hàng hóa, đóng góp phần lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tam giác vàng bao gồm một khu vực rộng lớn, với địa thế núi sông trải dài trên biên giới của ba nước. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khu vực này là nơi trồng và sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Có lẽ vì lý do đó mà cái tên Tam giác vàng đã trở nên hấp dẫn, kích thích trí tò mò của hàng triệu du khách từng đặt chân tới đây.
Hiện nay, những cánh đồng anh túc trước kia đã bị thay thế bằng các cánh rừng hay các nương chè xanh mướt thuộc dự án của Hoàng gia Thái Lan nhằm cải thiện cuộc sống của người dân.
Giữa bạt ngàn rừng núi, người ta đã dành ra một khuôn viên rộng rãi để xây dựng Công viên Tam giác vàng và Bảo tàng chứng tích ma túy nhằm tái hiện lại đầy đủ bức tranh toàn cảnh về sản xuất cũng như buôn bán ma túy, từ lịch sử du nhập vào Thái Lan đến công tác đấu tranh loại bỏ nó. Nơi đây lúc nào cũng thấy du khách nườm nượp vào ra.
Mục tiêu chính của họ vào đây có lẽ chỉ là để được nhìn tận mắt những hiện vật từng được sử dụng để canh tác, sản xuất và buôn bán thuốc phiện.
Bên cạnh khu công viên Tam giác vàng là những nương chè xanh mướt thuộc dự án cải thiện cuộc sống cho người dân tộc thiểu số Chiang Rai. Tại đây, người ta trồng hai loại chè đen và xanh. Tất cả đều được giám sát theo một chương trình nghiêm ngặt để đảm bảo độ sạch và chất lượng theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu chè từ Đài Loan cũng như Nhật Bản.
Rời khỏi những nương chè đi về phía sông Mekong, nơi giao cắt với sông Ruak, du khách sẽ được chứng kiến bầu không khí đông vui nhộn nhịp, trái ngược hẳn với sự tĩnh lặng vốn có của rừng núi.
Từ trên cao nhìn xuống, một dải đất hình tam giác sẽ lờ mờ hiện ra bên phía lãnh thổ của Myanmar và chéo xuống phía dưới là một sòng bạc bên đất Lào được xây theo kiểu lâu đài cổ ở châu Âu, với mái vòm màu vàng.
Trên đất Thái, có lẽ dấu hiệu rõ nhất từ hai nước kia nhìn lại là một ngôi đền nằm sát sông, với bức tượng Phật vàng khổng lồ đặt trên nóc.
Người Thái cũng vừa hoàn thành dựng chiếc cột mốc khổng lồ, có cả bản đồ thể hiện khu Tam giác vàng, để thay thế có những chiếc biển gỗ cũ kỹ trước kia. Hầu như đoàn khách nào cũng lưu chân ở đây để vào làm lễ và chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc Tam giác vàng.
Phía dưới sông, có rất nhiều bến thuyền sẵn sàng phục vụ khách tham quan khu ngã ba hoặc đưa sang Lào và Myanmar.
Bên đất Thái không có sòng bạc, nhưng khách quốc tế hay thậm chí cả người Thái có thể xuống thuyền đi qua sông để vào đánh bạc bên Lào, trong khi phía Thái sẽ đón các du khách từ Lào và Myanmar qua chơi bằng các dịch vụ du lịch.
Từ đây xuôi theo dòng sông Mekong xuống hơn 10km sẽ gặp cảng Chiang Saen, nơi đang đóng góp phần lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Chiang Rai.
Chiang Saen là một cảng sông thương mại quốc tế nối liền Thái Lan với Lào, Myanmar và miền Nam Trung Quốc. Nơi đây được coi là cửa ngõ quan trọng thông thương với Tiểu vùng Mekong mở rộng và sẽ là khu kinh tế trọng điểm của miền Bắc Thái Lan khi Cộng đồng chung ASEAN hình thành.
Cảng này được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2012, trên diện tích rộng hơn 600.000m2 và được trang bị các hệ thống băng chuyền cũng như cân cẩu rất hiện đại. Điều hành cảng là một Trung tâm dịch vụ một cửa bao gồm đầy đủ các ngành chức năng như hải quan, kiểm dịch, y tế, nhập cư...
Năm ngoái đã có gần 100.000 tấn hàng hóa được thông quan ở cảng này. Dự kiến trong năm tới, số lượng hàng hóa dịch vụ đi qua đây sẽ tăng lên gấp đôi khi các nước ASEAN chuẩn bị hình thành một công đồng chung.
Bên cạnh việc kết nối với các nước trong khu vực, cảng Chiang Saen cũng là một đầu mối quan trọng nối liền với các cảng biển của Thái Lan như Laem Chabang hay Ranong, góp phần giúp Thái Lan trở thành trung tâm thương mại và hậu cần của khu vực ASEAN./.