Khám phá môn thể thao "quý tộc" nhất tại SEA Games 31

Điểm số môn đấu kiếm được tính rất chính xác thông qua hệ thống điện tử từ giáp, kiếm cho tới bảng điểm. Việt Nam đặt hy vọng rất lớn với bộ môn này với mục tiêu 3 huy chương vàng.
Khám phá môn thể thao "quý tộc" nhất tại SEA Games 31 ảnh 1Nhập mô tả cho ảnh

Từ ngày 13-18/5 sẽ diễn ra môn Đấu kiếm (Fencing) SEA Games 31 tại Cung Điền kinh trong nhà Mỹ Đình (Trần Hữu Dực, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu của Olympic và các vận động viên Việt Nam cũng đã tìm được đường đến với sân chơi lớn nhất thế giới nhờ bệ phóng là những thành tích ấn tượng qua các kỳ SEA Games gần đây.

Tuy nhiên, đa số người hâm mộ vẫn chưa hiểu hết thể thức thi đấu của bộ môn có xuất phát từ thú chơi của giới quý tộc châu Âu trước đây. Bởi bộ môn này đòi hỏi các thiết bị kỹ thuật đi kèm phải hết sức hiện đại.

Cụ thể, đầu mũi kiếm được gắn thiết bị cảm ứng laser và truyền tín hiệu về hệ thống tính điểm trung tâm của các trọng tài. Do đó, gian lận hay sai sót là điều gần như không thể xảy ra. Đó cũng là sự khác biệt giữa đấu kiếm với một số môn võ đối kháng khác, khi việc chấm điểm đôi khi dựa trên các quyết định cảm tính của các trọng tài.

Về luật, điểm số của môn đấu kiếm được tính rất chính xác thông qua hệ thống điện tử từ giáp, kiếm cho tới bảng điểm. Đối với cả 3 nội dung kiếm chém, kiếm liễu, kiếm 3 cạnh, ở vòng loại, vận động viên chạm đến điểm 5 là chiến thắng. Sau vòng loại, sẽ loại khoảng 20% vận động viên, số còn lại vào thi đấu knock-out.

Tại vòng đấu loại trực tiếp (knock-out), mỗi trận đấu có 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, vận động viên nào đạt tới điểm số 15 là chiến thắng, hoặc có điểm số cao hơn là thắng. Một trường hợp nữa, sau khi kết thúc 3 phút nếu chưa ai đạt tới điểm số tối đa, vận động viên nào điểm số cao hơn sẽ giành chiến thắng.

[Khai mạc môn đấu kiếm tại SEA Games 31, Việt Nam tung 'át chủ bài']

Trong trường hợp sau 3 hiệp đấu chính thức, 2 vận động viên hòa nhau sẽ đấu thêm 1 phút hiệp phụ. Trong thời gian này, vận động viên nào cao điểm hơn sẽ thắng.

Khám phá môn thể thao "quý tộc" nhất tại SEA Games 31 ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nếu tiếp tục hoà, sẽ đấu thêm 1 phút tính điểm "bàn thắng vàng".

Trước khi đấu 1 phút quyết định này, trọng tài sẽ cho 2 vận động viên bốc thăm để chọn quyền ưu tiên. Sau 1 phút tính điểm "bàn thắng vàng" mà không vận động viên nào ghi được điểm, vận động viên được quyền ưu tiên sẽ giành quyền đi tiếp.

Về cách tính điểm, đối với kiếm 3 cạnh, kiếm chạm bất kỳ vị trí nào trên thân thể đều được tính điểm. Nếu 2 vận động viên cùng đánh trúng, đèn tính điểm cùng hiện lên, 2 vận động viên cùng được tính điểm.

Kiếm chém, vị trí tính điểm từ thắt lưng trở lên. Kiếm liễu có tiết diện tính điểm hẹp nhất. Điểm chạm là mũi kiếm và vị trí tính điểm là từ thắt lưng trở lên tới cổ, không tính 2 tay.

Đối với kiếm chém và kiếm liễu, vận động viên nào giành quyền chủ động và đánh trúng trước sẽ được tính điểm.

Đối với nội dung đồng đội, mỗi đội đăng ký 3 vận động viên thi đấu vòng tròn (tổng cộng có 9 trận, mỗi trận thời gian tối đa 3 phút, vận động viên của đội nào ghi được 5 điểm trước thì sẽ đổi cặp vận động viên) đội nào lên tới 45 điểm trước đội đó giành chiến thắng.

Tương tự như nội dung cá nhân, sau 27 phút thi đấu chính thức, nếu tỷ số hoà, 2 đội sẽ đấu thêm 1 hiệp phụ có thời gian 1 phút. Nếu tiếp tục hoà, sẽ đấu thêm 1 phút "bàn thắng vàng."

Chuẩn bị cho SEA Games 31, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam với 5 huấn luyện viên, 24 vận động viên đã được tập trung từ ngày 1/1/2022 tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội.

Huấn luyện viên trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết: "Trong 3 kỳ SEA Games gần nhất, đấu kiếm Việt Nam từng rất thành công khi giành 8 huy chương vàng SEA Games 2015. SEA Games 2017 chúng ta giành 3 huy chương vàng và SEA Games 2019 giành 4 huy chương vàng. Tại SEA Games 31, chúng tôi đặt mục tiêu giành 2 đến 3 huy chương vàng"./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục