Khẩn cấp đối phó với thách thức đô thị hóa toàn cầu

WB kêu gọi các thành phố trên thế giới cần "hành động khẩn cấp, tập thể và đa chiều" để đối phó với quá trình đô thị hóa toàn cầu.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi lãnh đạo các thành phố trên thế giới cần có "hành động khẩn cấp, tập thể và đa chiều" để đối phó với những thách thức của quá trình đô thị hóa toàn cầu.

Lời kêu gọi được bà Inger Andersen, Phó Chủ tịch WB về phát triển bền vững, đưa ra trong Hội nghị "Các thành phố sinh thái, các thành phố kinh tế" diễn ra ở thành phố Yokohama, Nhật Bản ngày 21/10.

Những thách thức xuất phát từ phát triển và biến đổi khí hậu đòi hỏi các nhà lãnh đạo quốc gia và các thành phố phải thực hiện phát triển bền vững và xây dựng các nền kinh tế-xã hội ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mỗi thành phố phải có trách nhiệm đặc biệt phát triển kế hoạch hành động và lộ trình phát triển bền vững của thành phố mình.

Bà Andersen cho rằng những hành động mà các thành phố trên thế giới thực hiện hôm nay sẽ định hình các hệ thống sinh thái-khí hậu, tạo môi trường sống cho ngày mai cũng như những lựa chọn cho thế hệ tương lai.

Những đường lối đổi mới và sáng tạo được thực hiện có thể đảm bảo tương lai bền vững trong một thế giới đầy biến đổi.

Trong các thập kỷ sắp tới, các hệ thống quản lý thành phố, năng lượng và các nguồn lực phải được chuyển đổi nhanh chóng để giảm khí thải, sự lãng phí các nguồn lực phải giảm mạnh và kết cấu hạ tầng phải được hoàn thiện để tăng cường khả năng trụ vững của các thành phố trước biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo quốc gia và các đô thị phải thực hiện cuộc cách mạng trong tư duy về đường lối, về cách thức thực hiện và tác động vì đô thị hóa đã trở thành đặc trưng của thế kỷ 21, trong đó 90% phát triển của các đô thị trên toàn cầu là ở các nước đang phát triển.

Vào giữa thế kỷ này, với 3,3 tỷ người, dân số đô thị châu Á chiếm 63% dân số đô thị của thế giới. Đô thị hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở tất cả các khu vực của thế giới và giải phóng hàng triệu người khỏi nghèo đói.

Các đô thị hiện đã chiếm 3/4 sản lượng kinh tế toàn cầu và đang là động cơ phát triển của hầu hết các nước.

Phó Chủ tịch WB cũng nhấn mạnh các thành phố đổi mới thành công trên thế giới như Stockholm ở châu Âu, Singapore và nhiều thành phố Nhật Bản ở châu Á… đã chứng tỏ rằng với đường lối chiến lược phù hợp, các thành phố có thể phát huy được tiềm năng và hiệu quả của các nguồn lực trong khi giảm được ô nhiễm và rác thải, cải thiện chất lượng cuộc sống công dân, tăng khả năng tài chính, sức cạnh tranh và sức bật của nền kinh tế đồng thời cũng tạo được nền văn hóa lành mạnh và bền vững.

Trong chiến lược chính quyền đô thị và địa phương, WB đang thúc đẩy sáng kiến "Các thành phố sinh thái đồng thời là các thành phố kinh tế (Eco2 ) nhằm hỗ trợ các thành phố ở các nước đang phát triển đạt được bền vững cả về sinh thái lẫn kinh tế.

Các dự án đầu tiên của Eco2 đang được triển khai ở Indonesia, Philippinnes và Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục