Khi dầu mỏ trở thành vấn đề quan trọng hơn dịch COVID-19

Sau khi Nga từ chối cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, mối quan hệ đồng minh của Nga với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã rơi vào tình trạng bấp bênh.
Khi dầu mỏ trở thành vấn đề quan trọng hơn dịch COVID-19 ảnh 1Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP và CNBC.com, sau khi Nga từ chối cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, mối quan hệ đồng minh của Nga với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã rơi vào tình trạng bấp bênh, trong bối cảnh OPEC lâu nay có ảnh hưởng đối với việc định giá dầu.

Hãng tin AFP bình luận rằng chiến lược giá dầu của OPEC đã tan thành mây khói sau sự từ chối của Nga. Trong khi đó, trang mạng CNBC của Mỹ dẫn lời giới phân tích cho rằng vấn đề dầu mỏ hiện nay nghiêm trọng hơn cả dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19).

Sau động thái từ chối của Nga vốn khiến giá dầu giảm mạnh, tập đoàn ngân hàng ANZ của Australia ra thông báo gửi khách hàng với nhận định: "Liên minh OPEC+ dường như đã 'chết' sau khi OPEC không đạt được thỏa thuận với Nga về cắt giảm thêm sản lượng khai thác."

Những mất mát và thiệt hại ngày một lớn hơn vào ngày 9/3, sau khi Saudi Arabia - thành viên chủ chốt của OPEC, đáp lại sự từ chối của Nga bằng việc cắt giảm giá dầu của nước này ở quy mô lớn nhất trong vòng 20 năm qua, một động thái hướng đến khả năng làm mất một số thị phần của Moskva. Giá dầu thế giới lao dốc ngay sau động thái này của Saudi Arabia.

Giới phân tích tại cơ quan nghiên cứu độc lập về thị trường dầu mỏ JBC Energy bình luận: "Cứ như thể chúng ta đang ở một thế giới dầu mỏ hoàn toàn khác biệt so với hơn ba năm qua, khi mà OPEC+ thường xuyên có ảnh hưởng đối với giá dầu."

Đối mặt với tình trạng giá dầu lao dốc đến mức chóng mặt từ năm 2014, các nước thành viên OPEC hồi cuối năm 2016 đã cùng với 10 quốc gia sản xuất dầu không phải là thành viên, trong đó có Nga, nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác.

Trở lại bàn đàm phán

Tuy nhiên, sau khi Nga thể hiện sự ngờ vực sâu sắc đối với tương lai của OPEC+, giới phân tích cho rằng động thái đáp trả của Riyadh có thể là một nỗ lực nhằm kéo Moskva trở lại bàn đàm phán, ngay cả khi họ không chắc điều này sẽ xảy ra hay không.

Cơ quan nghiên cứu JBC Energy nhận định sự thất bại của cuộc họp gần đây có thể được lý giải là do các nước có những kỳ vọng khác nhau về giá dầu. Nga dường như thỏa mãn với mức giá dầu thô 50 USD/thùng, còn Saudi Arabia thì muốn mức giá là 60-70 USD/thùng.

"Tuy nhiên, tất cả các nước sản xuất dầu mỏ đều nhất trí rằng mức giá 25 USD/1 thùng không phải là điều mà họ mong muốn," JBC Energy khẳng định.

[Saudi Arabia sẵn sàng cấp dầu cho châu Âu với giá 25 USD mỗi thùng]

Sau khi giá dầu sụt giảm ngày 9/3, với giá dầu Brent giao dịch ở mức 37 USD/thùng và giá dầu WTI ở mức 34 USD/thùng, thì mức giảm này có lẽ không đáng kể để buộc Nga phải trở lại bàn đàm phán.

Ông Chris Weafer - người sáng lập Macro Advisory, cơ quan nghiên cứu chính sách và kinh tế vĩ mô khu vực Á-Âu, nhận định: "Nga đã chuẩn bị tốt hơn trước kia."

Theo ông Weafer, Nga đã có lượng dự trữ tài chính ở quy mô lớn hơn nhiều so với dự trữ của Saudi Arabia, và Moskva cũng có sự biến động tiền tệ để giảm thiểu tác động đối với ngân sách quốc gia, trong khi đó, tiền tệ của Saudi Arabia lại được định giá cố định theo đồng USD.

Theo nhận định của nhà phân tích Joel Hancock tại ngân hàng đầu tư Natixis, OPEC "có thể đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác mà không cần sự chấp thuận của Nga" tại một cuộc họp dự kiến sẽ trong vài tháng tới.

Khi dầu mỏ trở thành vấn đề quan trọng hơn dịch COVID-19 ảnh 2Một mỏ khai thác dầu của Rosneft. (Nguồn: Bloomberg)

Khi dầu trở thành "vấn đề lớn hơn" COVID-19

Trang mạng CNBC.com ngày 8/3 dẫn lời giới phân tích nhận định rằng vấn đề dầu mỏ hiện nghiêm trọng hơn đối với thị trường so với dịch COVID-19.

Giới chuyên gia cảnh báo tác động đối với nền kinh tế toàn cầu ở quy mô rộng lớn hơn sau khi giá dầu sụt giảm tuần trước do OPEC và các đồng minh của tổ chức này không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng.

Ông Adam Crisafulli, nhà sáng lập công ty cung cấp thông tin thị trường Vital Knowledge ngày 8/3 bình luận: "Dầu thô đã trở thành một vấn đề quan trọng hơn đối với thị trường so với virus corona. Nếu giá dầu Brent tiếp tục sụt giảm thì chỉ số chứng khoán S&P 500 khó có thể tăng điểm trở lại."

Một số người thậm chí còn tỏ ra bi quan hơn. Trong dòng trạng thái viết trên mạng xã hội Twitter hôm 8/3, ông Ali Khedery - từng là cố vấn cấp cao về khu vực Trung Đông thuộc tập đoàn Exxon và hiện là Giám đốc điều hành tập đoàn chiến lược Dragoman Ventures có trụ sở ở Mỹ, cảnh báo: "Giá dầu 20 USD/thùng sẽ xảy ra trong năm 2020. Những ẩn ý địa chính trị to lớn... Thảm họa đối với những chế độ tham nhũng chính trị và dầu mỏ như Iraq, Iran... sẽ phải hứng chịu hai cú sốc lớn khi kèm theo cả tác động của COVID-19."

Trong khi đó, hãng tin AP cho rằng khi giá dầu sụt giảm, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có nguy cơ trở thành nước chịu tổn thất thực sự vì chi phí sản xuất của họ dường như cao hơn so với chi phí sản xuất dầu thô mà Saudi Arabia và Nga khai thác.

John Hall tại cơ quan tư vấn Alfa Energy bình luận: "Đây có thể là cú đòn đối với thị trường dầu đá phiến của Mỹ đang thiếu vốn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục