Không phát triển ồ ạt diện tích lúa thơm

Trong những ngày qua, trước thông tin về lúa thơm của Campuchia được chuyển về Việt Nam qua tỉnh An Giang bán được giá, dễ tiêu thụ, nhiều nông dân ở Cần Thơ muốn gieo sạ vụ Đông Xuân 2008-2009 bằng giống lúa thơm.

Trong những ngày qua, trước thông tin về lúa thơm của Campuchia được chuyển về Việt Nam qua tỉnh An Giang bán được giá, dễ tiêu thụ, nhiều nông dân ở Cần Thơ muốn gieo sạ vụ Đông Xuân 2008-2009 bằng giống lúa thơm.

Các chuyên gia nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân trong vùng nên giữ vững thời vụ xuống giống và tuân thủ cơ cấu giống lúa đã được xác định để xuống giống diện tích 90.300 ha lúa vụ đông xuân 2008-2009.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thì nông dân không nên chạy theo xu hướng mở rộng diện tích trồng lúa thơm như giống Khaodaw Mali, giống Jasmine… trong thời điểm này vì nếu ồ ạt phát triển giống lúa thơm phải tính đến yếu tố năng suất lúa thơm thấp hơn các giống lúa hiện có, cao nhất chỉ đạt gần 6 tấn/ha/vụ.

Thêm vào đó giống lúa thơm thường dễ nhiễm sâu bệnh hơn, nhất là với bệnh vàng lùn xoắn lá và chỉ thích nghi, cho mùi thơm khi được trồng với một số vùng đất ven biển, vùng có nguồn nước lợ, nếu đem trồng giống lúa này ở vùng đất của Cần Thơ thì chất lượng gạo sẽ kém đi, gạo không thơm.

Trong vụ Đông Xuân 2008-2009, Cần Thơ sẽ thay thế hoặc loại bỏ hết giống lúa đã bị nhiễm sâu bệnh nặng và thoái hóa, thay thế bằng các giống lúa có tính thích nghi rộng, dễ đạt năng suất cao, chất lượng gạo nằm ở “tốp" đầu, phục vụ cho xuất khẩu, trong đó ưu tiên phát triển giống lúa IR 64 có ưu điểm là gạo hạt dài và ngon cơm, vừa có thể bán để xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa vẫn đang đắt hàng.

Năm 2008, mặc dù chịu ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, giá cả vật tư nông nghiệp biến động, nhưng sản xuất nông nghiệp thành phố Cần Thơ vẫn phát triển ổn định và chuyển biến tốt. Toàn tỉnh đạt tổng sản lượng lúa trên 1,1 triệu tấn, vượt gần 4% kế hoạch năm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục