Khu Di tích Bác Hồ - địa chỉ Đỏ hội tụ tinh thần, khí phách thời đại

Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch lưu giữ dấu ấn lịch sử văn hóa sâu sắc về người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Vẻ đẹp Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Vẻ đẹp Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại cho đất nước, nhân dân Việt Nam một di sản văn hóa vô giá đó là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Người đã sống và làm việc 15 năm cuối đời (1954-1969).

Trải qua 55 năm, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã, đang và sẽ mãi mãi là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam, là điểm hành hương hàng triệu đồng bào Việt Nam cùng bạn bè quốc tế.

Địa chỉ Đỏ cho du khách

Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng cho biết ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở, làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch, để khu vực linh thiêng này trở thành khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nay là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Năm 2009, Khu Di tích đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1). Nơi đây lưu giữ dấu ấn lịch sử văn hóa sâu sắc về người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh và đã trở thành địa chỉ Đỏ thiêng liêng, hội tụ tinh thần, khí phách thời đại, nơi Bác Hồ sống mãi với chúng ta. Tất cả di tích, tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay vẫn đang được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống và làm việc.

Theo bà Lê Thị Phượng, ở khía cạnh di sản văn hóa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có những đặc thù hoàn toàn khác biệt, theo đó công tác bảo tồn nơi đây được thực hiện trong điều kiện như một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị.

ttxvn-khu di tich3.jpg
(Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Quần thể Khu di tích gồm có 13 di tích (Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Nhà sàn, Phòng họp Bộ Chính trị, Nhà 67, Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Bác ký sắc lệnh, Hầm H66, Hầm D1...); 1.738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà di tích; các di tích ngoài trời, như ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch, Đường xoài, đường mòn Hồ Chí Minh, cầu gỗ qua ao… cùng 50 cây di tích là những cây Bác đem về trồng hoặc các tổ chức, cá nhân ở các địa phương hay nước ngoài gửi tặng và Bác trực tiếp chăm sóc.

55 năm qua, Khu Di tích của Người tại Phủ Chủ tịch đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ, nhiều đoàn khách cấp cao đã để lại những dòng cảm tưởng trân trọng.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), khẳng định trong hệ thống di tích, điểm di tích và tượng, tượng đài lưu niệm Hồ Chí Minh, Khu di tích tại Phủ Chủ tịch có vị trí, giá trị ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc và nhân loại.

Nơi đây trở thành địa chỉ Đỏ của các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập, là “chứng tích” giá trị lịch sử cách mạng về tư tưởng kiến tạo văn hóa hòa bình của Hồ Chí Minh gắn với lịch sử các cuộc kháng chiến chống hai đế quốc lớn thực dân Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam. Nơi đây còn là chứng tích vô giá về những giá trị văn hóa đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt trong những năm tháng Người sống và làm việc tại đây.

Những giá trị đặc biệt

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những di tích có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện. Đây là di tích nguyên gốc duy nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, minh chứng sống động cho tư tưởng, tấm gương đạo đức của vị lãnh tụ cả một đời vì nước, vì dân, vì nhân loại tiến bộ trên thế giới.

55 năm qua, Khu Di tích đã góp phần tích cực vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đối ngoại và ngoại giao trong việc đón tiếp tận tình, chu đáo các nguyên thủ quốc gia, khách cấp cao theo đúng nghi thức và quy chế Nhà nước quy định. Điều đáng tự hào, Khu di tích đã trở thành một trong những địa chỉ được Đảng, Nhà nước tin cậy để giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về Bác Hồ, nhất là từ khi Người được tổ chức UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất. Qua đó cũng hiểu thêm về Đảng của Bác Hồ, đất nước của Bác Hồ, nhân dân Việt Nam, thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt Nam với thế giới.

ttxvn-khu di tich2.jpg
Vẻ đẹp Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có giá trị rất lớn, bởi, nơi đây lưu giữ những dấu ấn về cuộc đời hoạt động cách mạng cùng những đóng góp to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nơi đây cũng tỏa sáng tư tưởng, lối sống, phong cách của vị lãnh tụ vĩ đại mà gần gũi của cả dân tộc Việt Nam. Do đó, chúng ta cần tích cực phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch ở nhiều phương diện, trong đó, cần tiếp tục quảng bá, lan tỏa nội dung, giá trị, ý nghĩa di sản Hồ Chí Minh tại nơi đây với đông đảo đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu qua các đợt tham quan, tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, giới thiệu qua sách báo, truyền thông, mạng xã hội, gặp gỡ, trao đổi với các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học... để lan tỏa những nội dung, giá trị, ý nghĩa di sản Hồ Chí Minh, làm cho di sản đặc biệt này ngày càng gần gũi, dễ hiểu nhưng vẫn toát lên sự cao quý và tầm vóc lớn lao. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tại Khu Di tích để giới thiệu, quảng bá về cuộc đời, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hiện vật, các sản phẩm nghệ thuật.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, giữ gìn, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong Khu di tích về Người ở Phủ Chủ tịch là cách làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần, tư tưởng của toàn dân tộc Việt Nam.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong các di tích lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất trong các di tích lịch sử-cách mạng của Việt Nam nói chung và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cả nước nói riêng. Đây là Khu di tích duy nhất của cả nước được bảo tồn tương đối nguyên trạng, cả các công trình kiến trúc, cảnh quan môi trường cùng với hơn 1.700 tài liệu hiện vật, gắn liền với các nhà di tích. Đây cũng là nơi có môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vào bậc nhất Thủ đô Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ ví, Khu Di tích giống như một “ngôi đền thiêng” - là nơi hội tụ, lan tỏa tấm gương về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Ban lãnh đạo Khu Di tích nên có lộ trình xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho 5-10 năm tới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, xác minh, tư liệu hóa các di tích, các hiện vật gắn liền với từng di tích, thực hiện việc số hóa, nhằm làm sáng tỏ hơn các giá trị của di tích và hiện vật, tạo cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và tuyên truyền-giáo dục.

ttxvn-khu di tich4.jpg
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

“Đặc biệt, cần hết sức quan tâm đến di sản ký ức, khai thác các câu chuyện, kỷ niệm, hồi ức của các nhân chứng lịch sử. Nếu không làm khẩn trương vấn đề này sẽ là một thiệt thòi lớn vì hiện nay, nhân chứng ngày càng ít đi, nhiều người không còn nữa, những người còn sống thì tuổi tác đã cao, trí nhớ có hạn," Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ lưu ý.

Đi qua hơn nửa thế kỷ, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã, đang và sẽ mãi mãi là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam, là “trường học lớn” - nơi nghiên cứu, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nơi đây sẽ mãi là địa chỉ Đỏ về lịch sử, văn hóa, du lịch của Việt Nam, nơi hội tụ tình cảm của nhân dân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục