Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - 15 năm bảo tồn gìn giữ

Qua 15 năm bảo tồn và phát triển, hệ sinh thái Cù Lao Chàm không chỉ được phục hồi tương đối nguyên vẹn mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước.

Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù lao Chàm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù lao Chàm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Ngày 26/5/2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.

Qua 15 năm bảo tồn và phát triển, hệ sinh thái Cù Lao Chàm không chỉ được phục hồi tương đối nguyên vẹn mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước.

Khu dự trữ sinh quyển độc đáo, giá trị và đặc trưng nhất

Nằm ở phía hạ lưu sông Thu Bồn, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo của vùng cửa sông và ven bờ, kết nối hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An có tổng diện tích 33.475ha, được phân thành 3 phân vùng chức năng:

Vùng lõi - Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Có diện tích 11.560ha là nơi thực hiện chủ yếu chức bảo tồn thông qua hoạt động của Khu bảo tồn biển và lực lượng bảo tồn rừng đặc dụng Cù Lao Chàm.

Qua khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có hơn 311ha rạn san hô, với khoảng 300 loài, san hô mềm chiếm ưu thế, độ phủ trung bình rạn san hô 41%; có 50ha thảm cỏ biển, với 5 loài đặc trưng, độ phủ trung bình 15-25 %; 76 loài rong biển, hơn 270 loài cá, 97 loài thân mềm, 11 loài động vật da gai...

ttxvn_cu lao cham (2).jpg
Phong cảnh biển đảo Cù Lao Chàm. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Cù Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao có mạch của hệ thực vật Việt Nam.

Kết quả khảo sát ở độ cao dưới 100m, đã thống kê có hơn 288 loài cây thuốc nam xen lẫn trong những cánh rừng thường xanh với những cây cổ thụ như Gõ mật, Lim xanh, Chò nâu, Huỷnh, Bời lời đỏ hàng trăm năm tuổi. Một số loài đã trở nên quý hiếm như loài “lan nhung,” loài “trầm hương.”

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển, cải thiện sinh kế cho cộng đồng cư dân, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và các giá trị tài nguyên thiên nhiên tại xã đảo Cù Lao Chàm.

Hòn đảo này cũng là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình “Nói không với túi nylon,” phát động “Nói không với ống hút nhựa” và hướng đến nói không với rác thải nhựa dùng một lần.

Vùng đệm - Vùng cửa sông Thu Bồn: Là vùng đi từ biển vào đất liền với diện tích trải dài lên đến 20,35ha.

Vùng cửa sông Thu Bồn thừa hưởng một hệ sinh thái đa dạng với hệ thống sông, kênh rạch, bãi biển, rừng ngập mặn mà ở đây chủ yếu là dừa nước.

Rừng dừa nước Cẩm Thanh, căn cứ địa nổi tiếng một thời, nay trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách muốn được trải nghiệm khung cảnh làng quê sông nước Nam Bộ ngay tại miền Trung.

Nơi đây còn là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản và đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng nước trước khi ra biển và liên kết sinh thái giữa lục địa-đại đương.

Vùng chuyển tiếp: Là phần diện tích tự nhiên còn lại, trong đó nổi bật là khu phố cổ Hội An quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp trộn lẫn giữa không gian truyền thống và hơi thở của thời đại mới.

Hội An có tổng cộng 1.406 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của Thành phố, trong đó có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 44 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 98 di tích nằm trong danh mục di tích-danh thắng được tỉnh Quảng Nam bảo vệ.

ttxvn_hoi an.jpg
Phố cổ Hội An rêu phong cổ kính. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, Khu phố cổ Hội An còn được xem là một “Di sản sống,” chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa phi vật thể liên quan đến hoạt động thường ngày của cư dân địa phương, với các món ăn, lễ hội, nếp sống, sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều lễ hội vẫn còn duy trì trong đời sống cộng đồng xung quanh Khu phố cổ.

15 năm nỗ lực bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An

15 năm qua, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trải qua quá trình vận hành đầy trách nhiệm.

Các cơ quan, đoàn thể, cá nhân đã nỗ lực để tuân thủ nghiêm túc quy định khắt khe, chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của UNESCO theo 7 tiêu chí và 3 chức năng cơ bản dành cho một khu sinh quyển.

Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội An và Cù Lao Chàm đang dần chuyển đổi các sản phẩm nhựa một lần sang đồ tái sử dụng nhiều lần.

Nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững các giống loài ngày càng được nâng cao. Trong đó, tổ tuần tra cộng đồng đã giúp hạn chế khai thác trái phép và bảo vệ nguồn giống, giữ gìn hệ sinh thái từ rừng dừa nước Cẩm Thanh đến tiểu khu Bãi Hương (Cù Lao Chàm) hiệu quả.

Các hoạt động tại Cù Lao Chàm đang hướng đến mô hình hòn đảo không rác thải nhựa đầu tiên của Việt Nam. Đặc biệt, ngoài hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nơi đây đã xây dựng và vận hành thành công cơ sở phục hồi tài nguyên tại thôn Bãi Ông.

Với hình thức giám sát theo phương pháp mới, các cơ sở dữ liệu thu thập từ mặt cắt dưới biển và 6 vùng rạn đang nuôi cấy san hô, các loại rác thải nhựa sẽ được phát hiện, thu gom triệt để.

Sau mỗi đợt dọn vệ sinh, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện thống kê, đánh giá tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững hệ sinh thái dưới nước. Theo phương pháp mới này, lượng rác nhựa thu được giảm theo từng đợt.

Cụ thể là trong đợt dọn vệ sinh đáy biển vừa qua, lượng rác thải thu được chỉ 4,5kg, chưa bằng một nửa so với đợt dọn trước. Điều này cho thấy môi trường biển ngày càng trong lành hơn, sạch hơn.

Theo nhận định của UNESCO, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đúng như sứ mệnh và tên gọi Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO.

Danh hiệu Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An là sự ghi nhận của cộng đồng thế giới về những nỗ lực vượt bậc của thành phố Hội An trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục