Khu lăng mộ Buganda không còn là Di sản Thế giới đang bị đe dọa

Có kiến trúc vô cùng độc đáo - được làm chủ yếu từ lau sậy, gỗ và lợp cỏ trên mái, Khu lăng mộ Buganda là nơi yên nghỉ của 4 vị vua trị vì Vương quốc Bungada - tiền thân của đất nước Uganda ngày nay.
Khu lăng mộ Buganda không còn là Di sản Thế giới đang bị đe dọa ảnh 1Một ngôi nhà tại Khu lăng mộ Buganda.  (Nguồn: AFP)

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 12/9 đã đưa Khu lăng mộ Buganda ra khỏi danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa, sau những kết quả tích cực từ nỗ lực phục dựng địa điểm này.

Quyết định trên được Ủy ban Di sản Thế giới thông qua tại cuộc họp đang diễn ra ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia từ ngày 10-25/9.

Có kiến trúc vô cùng độc đáo - được làm chủ yếu từ lau sậy, gỗ và lợp cỏ trên mái, Khu lăng mộ Buganda là nơi yên nghỉ của 4 vị vua trị vì Vương quốc Bungada - tiền thân của đất nước Uganda ngày nay.

Khu di tích này tọa lạc trên đồi Kasubi ở thủ đô Kampala, được coi là một địa điểm lịch sử và tâm linh quan trọng. Năm 2001, UNESCO công nhận Khu lăng mộ Buganda là Di sản Thế giới.

Năm 2012, một trận hỏa hoạn lớn đã tàn phá Khu lăng mộ Buganda, nghiêm trọng tới mức UNESCO phải đưa địa điểm này vào danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa và thúc đẩy công tác tái thiết với nguồn tài trợ quốc tế. UNESCO cho biết công tác phục dựng đã hoàn tất vào mùa Hè năm 2023, “cho phép nơi đây này trở lại trạng thái bảo tồn như mong muốn."

[UNESCO khuyến nghị đưa Venice vào danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa]

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhận định: “Kết quả tái thiết này là sự thành công của tập thể, bao gồm Chính quyền Uganda, các chuyên gia Di sản Uganda cũng như của cộng đồng địa phương - những người đóng vai trò nòng cốt của quá trình khôi phục."

Theo UNESCO, việc đưa Khu lăng mộ Buganda khỏi danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa được coi là một dấu mốc quan trọng, bởi 50% trong số những địa điểm trong số này đều ở châu Phi.

Tuy vụ hỏa hoạn đã phá hủy phần chính của Khu lăng mộ Buganda - nơi được mô tả là một "kiệt tác kiến trúc," nhưng UNESCO cho biết họ hài lòng với công tác phục dựng và những công trình mang tính biểu tượng khác tại đây.

Ngoài ra, tổ chức này cũng "hài lòng với việc thiết lập hệ thống chữa cháy tiên tiến và đào tạo người dân trong công tác cứu hỏa nhằm ngăn chặn thảm kịch như vậy xảy ra lần nữa."

Bộ trưởng Du lịch Uganda Martin Mugarra cho biết Khu di tích này sẽ sớm được mở cửa đón khách tham quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục