Là một trong những dự án tái định cư lớn của Thành phố Hồ Chí Minh, từ khi đưa vào sử dụng, khu dân cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã đáp ứng nhu cầu tái định cư cho nhiều hộ dân tại các dự án như xây dựng Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), bến xe buýt Đầm Sen (quận 11), tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, cải tạo bờ kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh)...
Thế nhưng đến nay, khu dân cư quy mô đầu tư hàng trăm tỷ đồng này vẫn chưa phủ kín người ở, nhiều hạng mục đang trong tình trạng xuống cấp.
"Vắng như chùa bà Đanh"
Phóng viên TTXVN trở lại khu tái định cư Vĩnh Lộc B sau 3 năm. Vẫn là cảnh tượng quen thuộc: thưa vắng, bỏ hoang, cửa sắt hen rỉ, cỏ dại mọc um tùm, loang lổ nhiều vết tường nứt như chân chim. Phía chân móng căn hộ, dù đã được trét trám ximăng nhưng các vết nứt vẫn lộ thiên, ngang dọc.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đầu tư, cho biết dự án khu tái định cư Vĩnh Lộc có tổng diện tích 30,92 ha, gồm 45 tòa với 1.939 căn hộ và 529 nền nhà phố liền kế nhằm phục vụ nhu cầu nhà ở chương trình tái định cư của thành phố.
Năm 2005, dự án chính thức triển khai nhưng phải đến năm 2008 mới tiến hành xây dựng. Năm 2011, dự án hoàn thành giai đoạn 1, bàn giao 22 tòa.
Theo ông Lý Minh Sơn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Công ích huyện Bình Chánh, đơn vị nhận vận hành, quản lý khu dân cư Vĩnh Lộc B, hiện nay tổng số căn hộ được bàn giao chỉ mới là 306/1.939 căn, chiếm 15,78%, trong đó hợp đồng trả góp chiếm đến 194 trường hợp. Còn về nền đất, đã bàn giao được 222/529 nền. Bố trí tái định cư căn hộ tại khu dân cư Vĩnh Lộc B vẫn còn ít, chủ yếu là các hộ dân thuộc quận Bình Tân, phân bổ không đều, có tòa chỉ có 1 người ở và có tòa không có người ở (C.8).
Đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận đa số các thiết bị trong căn hộ xuống cấp và hư hỏng, từ nhà vệ sinh, cửa gỗ, cửa sắt hen rỉ cho đến đường ống thoát nước bị nghẹt, nhà bị ẩm mốc, bụi bẩn. Thậm chí, trạm xử lý nước thải khu dân cư không hoạt động được do người dân đến ở còn ít, thiếu nguồn nước thải để vận hành chạy thử.
Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị, ngoài việc không bố trí được người dân vào sử dụng, đơn vị tiếp nhận quản lý là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh không có kinh phí để kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng.
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu tái định cư, mặc dù trong thiết kế dự án có hạng mục công viên cây xanh, trường học nhưng đến nay chỉ có một trường tiểu học đang được xây dựng, còn khu vực trồng cây xanh giữa các tòa nhà chung cư chỉ là những khoảng đất trống với nhiều cỏ dại cháy khô. Ngay cả khóa vòi ống dẫn nước chữa cháy cũng bị mất nắp, sắt đã hoen rỉ.
"Treo" chủ quyền
Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất đối với căn hộ chung cư, ông Lý Minh Sơn cho biết, hiện nay Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Công ích huyện Bình Chánh vẫn đang thực hiện công tác xin cấp và đã đo vẽ được 36 căn hộ. Như vậy, 306 căn hộ đã bàn giao, người dân vào đây sống từ nhiều năm trước, vẫn chưa được cấp chủ quyền.
Mặt khác, trong số 222 nền đất được giao cũng chỉ mới có 142 nền được xây dựng nhà ở, số còn lại người dân phải tự lo lấy.
Ông Lữ Hoàng Tuấn, ngụ tại căn hộ C6.102 cho biết gia đình đã đóng đủ tiền, vào khu dân cư Vĩnh Lộc B sống được 4 năm nay nhưng hiện vẫn chưa được cấp chủ quyền. Nhiều lần thắc mắc thì ông chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu.
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Nhàn, hộ dân di dời tại dự án xây dựng tỉnh lộ 10, khi về nhận nền đất trong khu dân cư Vĩnh Lộc B, chị đã vay mượn tiền để xây nhà. Đến nay, chị vẫn chưa trả hết nợ.
Không chỉ lo lắng vấn đề chủ quyền, nhiều người dân nơi đây còn tỏ ra chán nản về chuyện công ăn việc làm. Họ nhận bố trí tái định cư xa nơi ở cũ (quận Bình Thạnh, quận 11, quận Bình Tân, quận 6…), không quen môi trường sống mới lại vừa không biết làm gì.
Một vấn đề bức bối khác là khu dân cư đang thiếu đường kết nối. Hiện nay lối vào khu dân cư vẫn là con đường mượn tạm, được rải đá dăm nhấp nhô, khói bụi mịt mù mỗi lần xe ôtô chạy qua.
Theo ông Võ Văn Quận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối khu dân cư Vĩnh Lộc B có chiều dài 127m, kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, dự án này chỉ mới thực hiện công tác thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán. Thậm chí đến đầu năm 2016, dự án mới được ghi vốn khởi công với số tiền 10 tỷ đồng.
Trực tiếp thăm hỏi đời sống người dân và kiểm tra tiến độ dự án khu dân cư Vĩnh Lộc B đầu tuần qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phải hết sức chăm lo đời sống tái định cư cho các hộ dân.
"Người dân về nơi ở mới, tâm lý chưa quen môi trường sống cũng như chưa có việc làm. Thử đặt mình vào vị trí của họ, vừa dọn đến ở mà nhà đã xuống cấp thì có chịu được không?," ông Nguyễn Thành Phong trăn trở.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các cấp chính quyền thành phố phải lấy việc vận động người dân di dời về nơi tái định cư là chính, hạn chế tối đa việc cưỡng chế, đồng thời phải xem việc xây dựng nhà tái định cư như là xây chính ngôi nhà của mình. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng, an toàn, tránh lối suy nghĩ chỉ cần bố trí cho người tái định cư một nơi ở là xong.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong, chính quyền huyện Bình Chánh, chủ đầu tư và đơn vị vận hành, quản lý phải phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cung cấp nguồn nước sạch cho toàn khu dân cư Vĩnh Lộc B, trong đó có vấn đề việc làm và chăm sóc y tế.
"Nơi ở cũ, mười mấy người sống chung trong mấy m2 nhưng có chỗ bán càphê, có nghề bán vé số thì họ vẫn sống được, còn khi về nơi ở mới, không có nghề thì chắc chắn người dân không biết làm gì," ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ thêm./.