Khủng hoảng nợ công đã bắt đầu "gõ cửa" nước Pháp

Nền kinh tế Pháp đang nằm trong "vòng nguy hiểm" khi phí tổn vay mượn của Paris đã tăng tới mức được xem là "không thể chống đỡ."
Sau Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha, tiếng chuông cảnh báo khủng hoảng nợ công đã bắt đầu rung lên ở Pháp, làm dấy lên mối lo ngại rằng hiểm họa này đang lan nhanh tới các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu, đồng thời đó cũng là dấu hiệu cho thấy Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đang đối mặt với "tình trạng nguy kịch".

Các chuyên gia cho rằng Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, đang nằm trong "vòng nguy hiểm" khi phí tổn vay mượn của Paris đã tăng tới mức được xem là "không thể chống đỡ nổi". Tuần trước, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp đã tăng 50 điểm. Hiện lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp là 3,46%, cao gấp đôi so với Đức.

Nhật báo Pháp Le Monde (Thế giới) đã phải gióng lên hồi chuông cảnh báo nền kinh tế chủ chốt của châu Âu này trong bài báo với tiêu đề "Sau Hy Lạp và Italy, liệu có đến Pháp?", đồng thời đưa ra những số liệu đáng báo động, cho thấy các khoản nợ của Pháp đã chạm ngưỡng 1.700 tỷ euro, chỉ thấp hơn một chút so với mức tương ứng 1.900 tỷ euro của Italy.

Theo giới phân tích, tình hình nợ công của Pháp có phần còn rủi ro hơn cả Italy, bởi lẽ chủ các khoản nợ chính phủ Italy là những nhà đầu tư trong nước, trong khi đó Pháp lại chủ yếu vay nợ nước ngoài.

Chuyên gia phân tích tài chính Remy le Bailly của tập đoàn Investir, nhận định rằng rõ ràng là khủng hoảng nợ công đã "gõ cửa" nước Pháp với những dấu hiệu ngày càng trầm trọng sau khi có một loạt thông báo về khả năng Pháp bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm và chi phí vay mượn của Paris tăng.

[Cuộc khủng hoảng nợ đẩy đồng euro vào "thế yếu"]


Báo Pháp Les Echos (Tiếng vang ), trong bài viết “Kinh tế Pháp đối mặt với nguy cơ suy thoái”, cho biết tinh thần của các chủ doanh nghiệp Pháp tiếp tục đi xuống trong tháng 11, theo điều tra của Cơ quan thống kê quốc gia Pháp (Insee). Các doanh nghiệp hạn chế đầu tư, việc làm mới không được tạo thêm.

Các điều tra cho thấy, sau quý Ba năm 2011 đạt tăng trưởng 0,4%, trong quý Tư, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp có khả năng giảm sút. Hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng. Đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp có xu hướng sụt giảm, đây là yếu tố gây lo ngại đặc biệt. Tỷ lệ vay tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng giảm xuống trong tháng 9, so với mùa Hè.

Insee thông báo, số việc làm gần như không tăng, chỉ duy nhất có thêm 7.400 việc làm trong ngành thương nghiệp. Nếu điều này được khẳng định, thì chiều hướng tăng trưởng việc làm, bắt đầu từ đầu năm 2010, đã bị ngưng lại. Với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 1% dự kiến trong năm 2012, Bộ Tài chính Pháp hy vọng sẽ có thêm 80.000 việc làm mới được tạo ra, có nghĩa là thấp hơn hai lần so với kỳ vọng. Theo Les Echos, mức độ tạo việc làm mới như vậy, có thể không đủ để ngăn chặn nạn thất nghiệp.

Hồi đầu tháng này, Chính phủ Pháp đã công bố các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới nhằm tiết kiệm thêm 7 tỷ euro (9,34 tỷ USD) trong năm 2012, từ đó giảm thâm hụt ngân sách xuống 4,5%, từ mức dự kiến 5,7% trong năm nay. Chính phủ Pháp cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2012 xuống còn 1% (so với 2,25% đưa ra trước đó), song Ủy ban châu Âu (EC) còn dự báo bi quan hơn nhiều về kinh tế Pháp với mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 0,6%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục