Khủng hoảng tài chính làm giảm FDI vào châu Phi

Cuộc khủng hoảng nợ và tài chính tại Mỹ, châu Âu sẽ tác động lớn quan hệ thương mại với châu Phi và làm giảm FDI vào châu lục này.
Cuộc khủng hoảng nợ và tài chính tại Mỹ và châu Âu có thể tác động đến nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Phi, do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ cắt giảm nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và quan hệ thương mại với lục địa này trong thời gian tới.

Tại hội thảo về triển vọng phát triển kinh tế khu vực miền Nam châu Phi khai mạc ngày 9/8 tại thành phố Johannesburg, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Donald Kaberuka nêu rõ tuy cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ cơ bản đã được giải quyết, nhưng hậu quả của nó vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế, tài chính Mỹ, đặc biệt sau khi Standard & Poor's hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+, khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại về nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Ngoài ra, khủng hoảng tài chính tại một số thành viên của EU như Hy Lạp, Bồ Đào Nha... cũng đang hạn chế nguồn vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp và kim ngạch buôn bán của EU với các khu vực khác, đặc biệt là đối với châu Phi.

Theo ông Kaberuka, các quốc gia châu Phi cần sớm hoạch định kế hoạch và xây dựng "kịch bản" về phát triển kinh tế, đầu tư và thương mại để đối phó với khả năng nền kinh tế thế giới có thể "rơi" vào suy thoái kép và các nguồn tài trợ cho châu Phi có thể bị cắt giảm mạnh thời gian tới.

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nam Phi Ebrahim Patel và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi Gill Marcus cũng cảnh báo những diễn biến xấu về vấn đề nợ công tại Mỹ và châu Âu có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế Nam Phi, đặc biệt là khả năng duy trì sự ổn định tài chính, tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.

Theo Bộ trưởng Patel, nền kinh tế lớn nhất châu Phi đang phục hồi chậm và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khó đạt chỉ tiêu đề ra 3,4% trong năm nay và 4,1% năm 2012.

Ông cho rằng Nam Phi hiện vẫn duy trì các chính sách tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu và đầu tư công, song về lâu dài, cần soạn thảo các chính sách kinh tế, tài chính bổ sung để hạn chế "rủi ro" từ cuộc khủng hoảng nợ hiện nay, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục