Khuyến nông cần kết nối tốt giữa sản xuất và tiêu thụ

Nhắc tới vai trò cấu nối trong nông nghiệp, PTT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng khuyến nông cần kết nối tốt giữa sản xuất-tiêu thụ nông sản.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ngành khuyến nông cần quan tâm, làm tốt hơn kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như hỗ trợ vốn cho phát triển nông nghiệp.

Dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động Khuyến nông Việt Nam và lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vì những thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2008-2012, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày 27/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phát triển nông nghiệp trong cơ chế thị trường thì nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, tạo kết nối chứ không làm thay.

Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác khuyến nông trong những năm qua đã làm tốt việc kết nối sản xuất với khoa học công nghệ, với đào tạo lao động.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp nói chung và hệ thống khuyến nông nói riêng trong 20 năm qua.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, hoạt động khuyến nông cần tiếp cận theo sản phẩm chủ lực của quốc gia, của từng địa phương, bám sát từng loại sản phẩm nông sản ngay từ khâu đầu cho đến khi tiêu thụ để tập trung nguồn lực. Cùng với đó tăng cường hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông; hoàn thiện bộ máy quản lý, nâng cấp trang thông tin điện tử khuyến nông Việt Nam và đào tạo nghề hiệu quả cho lao động nông thôn.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới khuyến nông sẽ có những bước tiến vượt bậc giúp Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp mạnh trên thế giới.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị ngành khuyến nông bám sát chiến lược phát triển ngành, xây dựng chương trình khuyến nông trọng điểm hướng vào ưu tiên nguồn lực đầu tư cho một số chương trình hàng hóa cạnh tranh và có tiềm năng, tạo hiệu quả kinh tế bền vững.

Hoạt động khuyến nông không ngừng đổi mới cách tiếp cận cũng như các mục tiêu, không chỉ quan tâm tới chuyển giao khoa học kỹ thuật mà cần tạo kết nối giữa người nông dân với thị trường, tri thức và nguồn vốn.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Phan Huy Thông, trong 20 năm qua, hoạt động khuyến nông đã được quan tâm đầu tư, từng bước phát triển đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Hiện hệ thống khuyến nông chuyên trách có gần 17.200 người; công tác viên khuyến nông cấp thôn, bản xấp xỉ 18.000 người. Hoạt động đào tạo, huấn luyện khuyến nông được tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu.

Từ năm 2010 đến nay, hệ thống khuyến nông đã tích cực tham gia vào chương trình Mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Đến nay, đã có 32/63 cơ quan khuyến nông tỉnh, thành phố được cấp đăng ký dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Kết quả khảo sát cuối năm 2012 cho thấy, 86% nông dân đánh giá các chương trình đào tạo, tập huấn khuyến nông có nội dung phù hợp và hiệu quả; trên 90% nông dân đã áp dụng thành công các kiến thức đã học vào sản xuất. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ như xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, đứng đầu thế giới về xuất khẩu càphê, hồ tiêu…

Nông dân đang dần hướng tới sản xuất hiện đại, làm ăn lớn, không còn độc canh như trước; bộ mặt nông thôn cũng nhiều đổi mới, đa dạng hóa ngành nghề theo hướng hiện đại, bền vững. Có được kết quả này phải kể đến vai trò không nhỏ của lực lượng khuyến nông toàn quốc.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống khuyến nông hiện nay còn chưa ổn định, thống nhất. Ở Trung ương, hoạt động này còn phân tán, chưa có đầu mối thống nhất đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước. Còn tại một số tỉnh, tổ chức khuyến nông chưa được quan tâm xây dựng đồng bộ, đặc biệt là tuyến huyện và cơ sở.../.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục