Kiểm soát chặt việc ban hành các văn bản quy định chi tiết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để việc ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, kịp thời hơn, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng thẩm định, kiểm tra.
Kiểm soát chặt việc ban hành các văn bản quy định chi tiết ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ năm 2021, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đổi mới để đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết. Do đó, Chính phủ cần bổ sung, đánh giá cụ thể hơn những đổi mới này.

[Siết kỷ cương trong xây dựng pháp luật, hạn chế nợ văn bản hướng dẫn]

Ngoài ra, để bảo đảm yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cho phép Chính phủ trong quá trình thực hiện được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, nhiều biện pháp giao Chính phủ thực hiện quy định trong Nghị quyết nêu trên chỉ được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022. Do đó, Báo cáo cần bổ sung đánh giá tình hình thực hiện các quy định này của Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, trong năm qua mặc dù thời gian tính số liệu văn bản quy định chi tiết được ban hành của năm 2021 ngắn hơn so với năm 2020 nhưng số văn bản được ban hành lại nhiều hơn là 15 văn bản; số văn bản nợ cũng có xu hướng giảm dần qua các năm và giảm tích cực hơn so với năm 2020 là 20 văn bản. Tuy nhiên, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Trong số những văn bản quy định chi tiết đã ban hành, có 36 văn bản được ban hành đúng thời hạn (chiếm 39,56%) và 55 văn bản ban hành chậm (chiếm 60,44%); trong đó, văn bản chậm ban hành lâu nhất là 1 năm 5 tháng, văn bản chậm ban hành ít nhất là 4 ngày, số văn bản chậm nhiều nhất là Nghị định (35/55 văn bản); cơ quan chậm ban hành thông tư nhiều nhất là Bộ Tài chính (7 văn bản).

Trong số những văn bản nợ, có những luật được ban hành và có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Kiểm soát chặt việc ban hành các văn bản quy định chi tiết ảnh 2Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Có một số văn bản không thuộc trường hợp ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; một số văn bản đăng Công báo chậm hơn nhiều so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; còn tình trạng giao quy định chi tiết nhưng lại ủy quyền tiếp.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát kỹ số liệu để bảo đảm thống kê đầy đủ, chính xác số văn bản đã ban hành, số văn bản còn nợ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ trong năm qua khi gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, chuẩn bị tổng kết cuối nhiệm kỳ, Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Trong bối cảnh có rất nhiều công việc như vậy, công tác tổ chức thi hành pháp luật đặt ra những yêu cầu mới khác các năm trước.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết trong năm qua được Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan phối hợp thực hiện tốt, nghiêm túc, có hiệu quả, có nhiều điểm mới trong các vấn đề cụ thể hóa Hiến pháp, xây dựng trình các đạo luật, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và kiểm tra thi hành văn bản, giám sát thực hiện văn bản.

Đặc biệt, việc tổ chức thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; tuyên truyền, phổ biến luật này đã góp phần quan trọng giúp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thành công tốt đẹp.

Việc tổ chức thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nhiều đổi mới. Tóm lại, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh có chuyển biến tốt trên nhiều mặt như trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của Chính phủ và đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan giám sát việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật và xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để việc ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, kịp thời hơn, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản để kịp thời phát hiện, sớm có biện pháp khắc phục đối với những văn bản pháp luật có nội dung chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính thống nhất.

Về bố cục của báo cáo, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, Ủy ban Pháp luật cần bàn với Bộ Tư pháp để thống nhất về đề cương và cách trình bày Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra nhằm bảo đảm tính thống nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới công việc này còn tiến hành lâu dài nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng với Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp, Tổng Thư ký Quốc hội cần bàn với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để rà soát lại việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 67; có kiến nghị về cách làm hợp lý cho năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục