Kiểm soát lây nhiễm và giảm số ca mắc lao đa kháng thuốc tại An Giang

Việc thành lập điểm điều trị lao đa kháng thuốc tại khoa lao Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang, góp phần hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, giảm thiểu chi phí đi lại, ăn, ở cho bệnh nhân lao.
Kiểm soát lây nhiễm và giảm số ca mắc lao đa kháng thuốc tại An Giang ảnh 1Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng mạn tính gây ra bởi vi khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn lao chủ yếu gây bệnh ở phổi (lao phổi chiếm trên 80%) nhưng cũng có thể gây bệnh ở bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể như màng phổi, màng não, thận-tiết niệu, xương khớp, hạch.

Người mắc bệnh lao phổi khi ho, khạc nhổ làm bắn ra những hạt nước bọt nhỏ li ti có mang theo vi khuẩn lao bay vào không khí và lưu chuyển đi khắp mọi nơi. Khi hít phải vi khuẩn lao trong không khí là bị nhiễm lao, nếu sức đề kháng của cơ thể tốt, các vi khuẩn lao bị khống chế “ở trạng thái không hoạt động” nên chúng không phát triển được để có thể gây bệnh.

Khi sức đề kháng của cơ bị suy giảm (do suy dinh dưỡng, do nhiễm HIV, những người già yếu, người mắc bệnh tiểu đường, trẻ em dưới 5 tuổi...) là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh lao.

Đáng lo ngại hơn là trong số những người nhiễm lao, có nhiều người thuộc thể lao kháng thuốc. Đây là trường hợp xảy ra khi vi khuẩn trở nên kháng lại chính loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lao. Việc điều trị lao kháng thuốc tốn kém mà thời gian điều trị còn kéo dài hơn gấp nhiều lần so với người mắc lao thông thường.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bệnh nhân lao bị kháng thuốc như: Vi khuẩn lao tự biến đổi cấu trúc chống lại thuốc; người bệnh ngay từ đầu đã bị lây nhiễm loại vi khuẩn lao kháng thuốc từ người bệnh bị lao kháng thuốc khác hoặc do uống thuốc không đủ mạnh để tiêu diệt vi khuẩn lao.

Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do bệnh nhân lao không tuân thủ theo đúng phác đồ và thời gian điều trị.

[Ninh Thuận: Tăng cường kiểm soát dịch để duy trì cấp độ an toàn]

Với lao đa kháng thuốc, việc điều trị khỏi bệnh khó khăn hơn nhiều. Ngoài phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, thời gian điều trị cũng phải kéo dài hơn và phải dùng nhiều loại thuốc hơn, chi phí tốn kém hơn, tỷ lệ khỏi bệnh cũng thấp hơn.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh An Giang, hàng năm tỉnh An Giang phát hiện khoảng 140-180 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Con số này chiếm khoảng trên 20% tổng số 750 bệnh nhân lao kháng thuốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đây, tỉnh An Giang chưa triển khai Điểm điều trị lao đa kháng tại tỉnh. Do vậy, khi có bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc phải chuyển đến Bệnh viện lao và Bệnh phổi Cần Thơ để điều trị giai đoạn nội trú.

Việc chuyển bệnh nhân đi đến Cần Thơ không những gây khó khăn và tốn kém cho người bệnh mà còn gia tăng nguy cơ lây nhiễm lao đa kháng thuốc ra cộng đồng.

Từ tháng 4/2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật An Giang phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang triển khai thành lập điểm điều trị lao đa kháng thuốc tại khoa lao Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang, góp phần hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu chi phí đi lại, ăn, ở cho bệnh nhân lao đa kháng.

Việc triển khai Điểm điều trị lao kháng thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang là yêu cầu cấp thiết trong kiểm soát lây nhiễm và giảm số ca mắc lao đa kháng, không chỉ cho tỉnh An Giang mà còn là mục tiêu quan trọng mà chương trình chống lao quốc gia đang hướng tới loại trừ bệnh lao năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục