Kiểm toán 2008: “Xài tiền chùa” ngày càng tăng

Kiểm toán Nhà nước vừa công khai sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2008. Qua 135 cuộc kiểm toán, trọng tâm là các đầu mối sử dụng ngân sách Nhà nước quy mô lớn, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình mục tiêu quốc gia, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi cho ngân sách Nhà nước; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách với số tiền lên đến 13.565 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước vừa công khai sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2008. Qua 135 cuộc kiểm toán, trọng tâm là các đầu mối sử dụng ngân sách Nhà nước quy mô lớn, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình mục tiêu quốc gia, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi cho ngân sách Nhà nước; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách với số tiền lên đến 13.565 tỷ đồng.

So với kết quả kiểm toán năm 2006 (7.000 tỷ đồng), năm 2007 (11.613 tỷ đồng) thì kết quả năm 2008 (13.565 tỷ đồng) lại tăng thêm khiến dư luận không khỏi quan ngại về tình trạng “xài tiền chùa” ngày càng tăng của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp được kiểm toán.

Sai phạm ngày càng tăng


Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2008 đơn vị đã thực hiện kiểm toán tại 20 bộ và các cơ quan trung ương, 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cuộc kiểm toán theo chuyên đề các dự án xây dựng cơ bản và mục tiêu quốc gia. Qua đây, số tiền kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước và tăng thu khác là hơn 4.000 tỷ đồng.

Bên cạnh kiến nghị tăng thu, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị giảm chi cho ngân sách Nhà nước hơn 2.470 tỷ đồng và  xử lý về tài chính khác là 7.092,2 tỷ đồng.

Về tài sản, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 167 xe ôtô, 159 xe máy, 1 tàu công tác, thu hồi 753 ha đất (giao sai đối tượng 226,2 ha và giao vượt định mức 526,8 ha), thu hồi để thanh lý theo quy định 01 trạm biến áp 160 KVA.

Ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước thừa nhận, con số kiến nghị trên rõ ràng đã phản ánh ý thức chấp hành chế độ, chính sách tài chính, kế toán, sử dụng tiền, tài sản thuộc ngân sách Nhà nước của các cơ quan, doanh nghiệp chưa nghiêm. Đặc biệt là với các doanh nghiệp đã được kiểm toán đến lần thứ hai mà sai phạm vẫn xảy ra thì cần phải có hình thức xử lý nghiêm hơn.

Theo ông Lê Minh Khái, với báo cáo trên các số liệu mới chỉ sơ bộ, những tình tiết cụ thể sẽ được Kiểm toán Nhà nước làm rõ và công bố vào tháng 6/2009.

Xác định trọng tâm kiểm toán

Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2009 thông qua việc kiểm toán 28 tỉnh, thành phố và 20 bộ, ngành chưa được kiểm toán năm 2008, Kiểm toán Nhà nước sẽ đặc biệt quan tâm tới các tỉnh có quy mô thu-chi ngân sách lớn, trong khi công tác quản lý và điều hành ngân sách còn hạn chế như ở các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Nông… cũng như các bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương…

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình quan trọng quốc gia và của các bộ, ngành địa phương sự dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn ODA, các dự án nhóm A, các dự án đầu tư đã được kiểm toán từ năm 2008 chuyển sang.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước và tài chính ngân hàng, tập trung kiểm toán báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong một số lĩnh vực chủ chốt như Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), các tổng công ty vận tải (hàng không, đường bộ), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch…

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Vương Đình Huệ, tiêu chí để lên danh mục các đầu mối để kiểm toán năm 2009 là những đơn vị chưa được kiểm toán hoặc có khoảng cách thời gian lớn kể từ lần đầu kiểm toán, đơn vị có tỷ trọng tài chính lớn, chứa đựng những nội dung có khả năng dễ xảy ra sai sót, được Quốc hội, Chính phủ và dư luận quan tâm, các lĩnh vực trọng điểm, địa bàn trọng điểm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung kiểm toán sẽ tập trung đánh giá tính hiệu quả của các đơn vị trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, tám nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững của Chính phủ.

Bên cạnh các nhiệm vụ đã xác định năm 2009, Kiểm toán Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm toán do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu và đề nghị của các nhà tài trợ đối với các dự án như: Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường 2 đầu cầu, Đường 5 kéo dài, Chương trình 135 giai đoạn II./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục