Kiểm toán đề nghị xử lý gần 6.800 tỷ đồng trong chống dịch COVID-19

Quá trình triển khai phòng chống COVID-19, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống dịch và các chính sách hỗ trợ.
Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại chương trình họp báo, ngày 1/7. (Ảnh: Vietnam+)
Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại chương trình họp báo, ngày 1/7. (Ảnh: Vietnam+)

Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các đơn vị có liên quan xử lý tài chính 3.431 tỷ đồng và xử lý khác là hơn 3.358 tỷ đồng trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thông tin trên được đưa ra tại Chương trình họp báo công bố “Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước” và báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ.”

Cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ

Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết kế hoạch kiểm toán năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ."

Đây là cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ và được Kiểm toán Nhà nước tập trung nguồn lực để kiểm toán ngay từ đầu năm triển khai trên phạm vi toàn ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 tỉnh, thành.

[Sẽ kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực trong phòng, chống COVID-19]

Bà Dung nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, về cơ bản các bộ, ngành, địa phương và người dân đã tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, do đó đến nay đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, còn tồn tại, hạn chế trong việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống dịch và các chính sách hỗ trợ; công tác huy động, lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vắc xin; công tác quản lý, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế; công tác tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ và công tác thu dịch vụ xét nghiệm…

Chi 2.162 tỷ đồng mua kit test từ Việt Á

Ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán Trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, cho biết giai đoạn 2020-2021, một số đơn vị đã mua 2.161,6 tỷ đồng kit test từ Công ty Công nghệ Việt Á (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).

Qua kiểm toán, ông Lâm cho biết một số lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng hoặc kit test viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy. Bên cạnh đó, việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan (như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát…) chưa đầy đủ.

Kiểm toán đề nghị xử lý gần 6.800 tỷ đồng trong chống dịch COVID-19 ảnh 1(Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, một số đơn vị chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng kit test, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, như chưa thống kê, kiểm kê, còn chênh lệch số liệu giữa các bên liên quan. Các đơn vị theo dõi chủ yếu tại khoa cấp phát, chưa theo dõi được theo từng nguồn và số lượng thực dùng tại đơn vị sử dụng…

Đáng lưu ý, một số đơn vị và địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau (như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả… hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao) với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061 tỷ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị.

[Bến Tre xử lý sai phạm trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch]

“Các ngày 8/4 và 27/4, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương,” ông Lâm trao đổi.

Xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, ông Lâm cho biết Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật đối với những sai phạm đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Báo cáo kiểm toán.

Cụ thể, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, hạn chế trong việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch; công tác phân bổ trang thiết bị, vật tư, thuốc chưa có đầy đủ hồ sơ, tài liệu; phân bổ vắc xin chưa phù hợp thực tiễn; phân bổ dự toán chưa bảo đảm cơ sở thuyết minh, chưa sát thực tế, chưa quản lý, lưu giữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu phân bổ... Đặc biệt là việc sử dụng Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 không đúng mục đích tài trợ, đối tượng và các đơn vị chưa nộp kịp thời về Quỹ vaccine số còn dư đến 31/12/2021.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện rà soát, điều chỉnh các quỹ đối với việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 để bảo đảm hỗ trợ đầy đủ, đúng đối tượng theo quy định.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật và các quận, huyện thực hiện kiểm tra, rà soát, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có sai phạm) đối với các trường hợp vay mượn sinh phẩm, kit test.

“Kiểm toán Nhà nước khuyến nghị các đơn vị xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật trong việc: Thu sai đối tượng, giá dịch vụ xét nghiệm cao hơn quy định, thu dịch vụ xét nghiệm bao gồm cả chi phí test, vật tư, sinh phẩm y tế của hàng tài trợ viện trợ hoặc được Bộ Y tế phân bổ; các khoản chi không đúng quy định, sai chế độ; Hỗ trợ cho người lao động có hộ khẩu ở địa phương đang làm việc ở tỉnh khác không đúng quy định,” ông Lâm nêu rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục