Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hơn 23.000 tỷ đồng trong 6 tháng

Trong sáu tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã xét duyệt 143 kế hoạch kiểm toán và triển khai 120/216 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 76 cuộc đồng thời kiến nghị xử lý hơn 23.000 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hơn 23.000 tỷ đồng trong 6 tháng ảnh 1(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Theo công bố từ Kiểm toán Nhà nước, trong sáu tháng đầu năm, toàn ngành đã kiến nghị xử lý tài chính trên 23.000 tỷ đồng, trong đó một số đoàn kiểm toán đã có những phát hiện quan trọng và kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ nhiều văn bản pháp luật không phù hợp với quy định chung của Nhà nước cũng như thực tiễn, từ đó kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

Hạn chế chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán

Theo Kiểm toán Nhà nước, các cuộc kiểm toán đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra đồng thời kiểm toán có nhiều phát hiện và kiến nghị nổi bật, góp phần quan trọng giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. 

Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm, toàn ngành đã xét duyệt 143 kế hoạch kiểm toán và triển khai 120/216 đoàn theo kế hoạch. Kết quả, đoàn đã kết thúc kiểm toán 76 cuộc, tổ chức xét duyệt 76 kế hoạch và phát hành 33 kế hoạch kiểm toán.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Phó Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Tuy cho biết thời gian qua đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với những ca phát hiện lây nhiễm cộng đồng tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

“Tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, trên quan điểm ưu tiên tối đa cho công tác phòng dịch COVID-19. Kiểm toán Nhà nước đã tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng phòng, chống dịch thực hiện nhiệm vụ, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động phòng, chống dịch,” ông Tuy nói.

[Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2021]

Bên cạnh đó, ông Tuy cho biết kế hoạch kiểm toán năm 2021 được xây dựng bám sát định hướng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (các lĩnh vực có rủi ro, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm) và có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật và công khai với 190 cuộc kiểm toán tập trung kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường.

Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh, kiểm tra nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; giảm thiểu sự phiền hà đối với các đơn vị được thanh tra, kiểm toán.

Tạo mọi điều kiện cho cơ quan chức năng chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ông Tuy cho hay kế hoạch kiểm toán đã được điều chỉnh theo hướng cắt giảm thời gian và quy mô nhằm tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Theo đó trong năm 2021, Kiểm toán Nhà nước không thực hiện kiểm toán đối với ngành y tế, công an, bộ chỉ huy quân sự tại các tỉnh đang có dịch.

Về công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo quy định, ngành đã cung cấp 143 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tòa án, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hơn 23.000 tỷ đồng trong 6 tháng ảnh 2Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. (Ảnh: KTNN)

Đối với kiến nghị kiểm toán, ngành đã ban hành 22 thông báo kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021 đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra đối chiếu tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2019 cho niên độ 2018 là 14.868 tỷ đồng, số kiến nghị kiểm toán các năm trước thực hiện bổ sung là 2.051 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2022-2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 gắn với lộ trình thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, định hướng kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước...

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh, toàn ngành đã nỗ lực hoàn thành các kế hoạch đặt ra trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nhiệm vụ tiếp theo, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu toàn ngành tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại để tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành kế hoạch năm 2021.

Tổng Kiểm toán nhấn mạnh: “Việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho các kiểm toán viên trong quá trình triển khai nhiệm vụ kiểm toán khi tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Toàn ngành thực hiện linh hoạt trong việc triển khai hoạt động kiểm toán đồng thời tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.”

Để đạt được kế hoạch đặt ra, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị trong ngành chuẩn bị tốt nhân lực, tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm, chuẩn bị tốt các điều kiện để hoàn thành kế hoạch kiểm toán đã đề ra và các kế hoạch kiểm toán phát sinh theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục