Khi được vinh danh ở hạng mục cao quý nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội (tối 8/10), Giáo sư-tiến sỹ-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính xúc động nghẹn ngào. Ông bảo rằng mình không phải là “hiệp sỹ của những di tích kiến trúc” như mọi người đã gọi, mà chỉ là một nhà chuyên môn, vì tình yêu và sự say đắm mà theo đuổi công việc bảo tồn và tu bổ di tích suốt cả cuộc đời.
Theo ông, cái “lo” nhất hiện nay là làm sao để giữ được hồn cốt, sự đặc sắc của Hà Nội trước bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra ở nhiều thành phố trong cả nước và trên thế giới.
Yêu Hà Nội từ truyền thống gia đình
Giáo sư Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội, là con trai của nhà cách mạng, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy.
Nhớ về cha mình, ông Kính kể: “Sinh thời, cụ rất ngại ngùng khi được mệnh danh là ‘nhà Hà Nội học.’ Cụ chỉ nhận mình là người kể chuyện về Hà Nội. Thật vậy, qua 4 cuốn sách và vài chục bài viết của cụ về Hà Nội, ta có cảm giác như đang nghe chuyện của một người lúc thì sống ở thời vua Lê chúa Trịnh, lúc thì ở thời Pháp xâm chiếm Hà thành. Cụ kể chuyện về cuộc sống dài lâu và rất Hà thành của phố Hàng Gai; về những người Hà Nội nổi danh và những người bị lãng quên...”
Theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, cụ Hoàng Đạo Thúy viết hoàn toàn bằng bộ nhớ phi thường của người có gần một thế kỷ gắn bó với Hà Nội, cụ không phải là người làm khảo cứu. Cho nên đọc sách của của cụ, sẽ thấy hoàn toàn là chuyện của người đương thời kể về thời mình đang sống.
Trong ngôi nhà kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đang ở, có nhiều kỷ vật của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, trong đó có những sáng tác như “Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội,” “Phố phường Hà Nội xưa,” “Người và cảnh Hà Nội,” “Hà Nội thanh lịch”…
Có lẽ cũng nhờ những trước tác này mà kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính có điều kiện đào sâu tường tận về văn hóa và con người Hà Nội. Để rồi, ý thức về trách nhiệm cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội đến với ông một cách rất đỗi tự nhiên từ nền tảng truyền thống gia đình.
Ứng xử khiêm tốn với di tích
Sự nghiệp của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính phủ rộng, trải dài từ Bắc vào Nam với các công trình di sản ở Hà Nội, Huế, Hội An, Mỹ Sơn… Thế nhưng, ông gắn bó sâu nặng với nơi “chôn nhau cắt rốn” Hà Nội bằng một tình yêu đặc biệt dành cho những di tích lịch sử, di sản văn hóa là biểu tượng của thành phố ngàn năm.
Ông là “tổng công trình sư” của nhiều dự án bảo tồn di tích Đình Tây Đằng ở Ba Vì), chùa Kim Liên ở Hồ Tây, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn, đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông-K9…
Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì) là một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội mà kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính phụ trách việc trùng tu. Theo ông Kính, đình Tây Đằng là công trình kiến trúc gỗ cổ xưa nhất trong số những di tích đã được phát hiện, xây dựng vào khoảng thế kỷ 15-16.
"Việc trùng tu ngôi đình đặt ra nhiều vấn đề cho chúng tôi ở thời điểm cuối những năm 1970, khi hoàn cảnh kinh tế đặc biệt eo hẹp và chúng ta hầu như chưa hình thành những quan điểm bài bản về trùng tu di tích kiến trúc gỗ. Làm thế nào có thể cứu vãn một công trình kiến trúc gỗ, mà các thành phần cấu tạo của nó sau 5, 6 thế kỷ tồn tại đã mục nát? Nếu thay đổi bằng gỗ mới, công trình có thể chắc, bền nhưng làm như thế, chúng ta sẽ đụng chạm vào các tế bào lịch sử,” ông Kính nhớ lại.
Vậy là kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã phải trải qua một quá trình tranh luận và thuyết phục để đi đến quan điểm chung mang tính nguyên tắc. Đó là: Tu sửa chủ yếu để đảm bảo cho di tích tồn tại lâu dài, không đặt ra vấn đề đưa kiến trúc hiện hữu về một giai đoạn lịch sử ước định, duy trì tối đa hiện trạng kiến trúc và trang trí của di tích.
“Bảo tồn, trùng tu di tích phải làm cho di tích khỏe hơn, vững chãi hơn, sống lâu hơn nhưng không trẻ lên, không làm thay đổi đặc trưng kiến trúc. Để bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, chúng ta phải ứng xử khiêm tốn tối đa,” ông nhấn mạnh.
Trên cơ sở quan điểm này, một loạt giải pháp kỹ thuật được đưa ra đối với việc trùng tu đình Tây Đằng. Đó là: Hạn chế tối đa sự thay thế; nếu cấu kiện nào đó bị hư hại thì tu sửa theo kỹ thuật truyền thống “chắp-vá-nối” để giữ lại nó; cấu kiện nào không thể giữ lại được thì thay thế bằng loại gỗ tương tự, lặp lại hình dáng của cấu kiện gốc…
“Nhờ quan điểm và các thủ pháp kỹ thuật này mà lần đầu tiên một kiến trúc gỗ được cứu vãn và trùng tu trên cơ sở vận dụng các đòi hỏi của bộ môn trùng tu khoa học, kết hợp với kỹ thuật bảo trì dân gian. Đến nay, có thể nói việc trùng tu đình Tây Đằng đã giúp hình thành những quan điểm và những bài bản trùng tu của các di tích kiến trúc gỗ. Có chuyên gia quốc tế gọi đó là ‘trường phái Việt Nam’,” ông Kính chia sẻ, không giấu niềm tự hào.
Kể ra như vậy để thấy vì sao kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính được mệnh danh là một “hiệp sỹ của những di tích kiến trúc.” Tên tuổi của ông đã sừng sững trong giới bảo tồn di tích và di sản văn hóa.
'Chuyển hóa mềm' tinh hoa văn hóa Hà Nội
Nói đến những trăn trở về di sản Hà Nội hiện nay, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhận xét rằng tài sản kiến trúc đô thị của Thủ đô đang bị thách thức một cách dữ dội.
“Hà Nội xây dựng quá lớn, quá nhanh, quá hiện đại… đều rất tốt, song cũng có nguy cơ đè bẹp những tinh hoa văn hóa nằm trong tài sản kiến trúc đô thị,” ông nói.
70 năm Giải phóng Thủ đô: Giải thưởng Bùi Xuân Phái vinh danh Hoàng Đạo Kính
Sự nghiệp của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính phủ rộng, trải dài từ Bắc vào Nam với các công trình di sản ở Huế, Hội An, Mỹ Sơn và đặc biệt là Hà Nội, nơi "chôn rau cắt rốn" của ông.
Ông trăn trở làm sao để giữ Hà Nội là một thành phố đặc sắc trước bối cảnh cạnh tranh đô thị diễn ra ở nhiều thành phố trong cả nước và trên thế giới, làm thế nào để giữ gìn nét đặc sắc, giá trị tinh hoa của Hà Nội.
Theo ông, phải phải nối mạch Hà Nội dĩ vãng, Hà Nội hôm qua với Hà Nội hôm nay bằng một chiến lược phát triển, "chuyển hóa mềm" từ phần lõi hạt nhân, phần lõi tinh hoa của Hà Nội sang các khu vực quy hoạch mới của thành phố. "Chuyển hóa mềm" ở đây không chỉ có kiến trúc mà còn cả không gian, cảnh quan, hình thái đô thị, phải phát triển Hà Nội trong sự cộng sinh êm ái, không đối kháng giữa những thành phần văn hóa, lịch sử, nhân văn đã định hình với những quy hoạch xây dựng đang phát triển.
“Yêu Hà Nội hãy yêu nhỏ nhẹ, yêu từ những cái bé con con, để nhượng bộ, thận trọng với những giá trị cốt lõi của Hà Nội,” kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính bày tỏ./.