Kim Jong-un còn cứng rắn "quá mức" được bao lâu?

Theo báo của Hong Kong, những phản ứng của ông Kim Jong-un rõ ràng cứng rắn hơn những phản ứng năm xưa của nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il.
Phản ứng trước cuộc tập trận chung mang tên “Giải pháp Then chốt” giữa Mỹ và Hàn Quốc lần này, Bình Nhưỡng đã tỏ ra vô cùng cứng rắn khi tuyên bố “sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện,” đồng thời thông báo từ ngày 11/3 hủy bỏ Hiệp định Đình chiến giữa hai miền Triều Tiên và cao giọng đe dọa sẽ chĩa vũ khí hạt nhân vào Nhà Trắng của Mỹ.

Theo báo Thái Dương tại Hong Kong ngày 13/3, những phản ứng của ông Kim Jong-un rõ ràng cứng rắn hơn những phản ứng năm xưa của nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi: sự cứng rắn “quá mức” này cuối cùng là nhằm mục đích gì và nó sẽ duy trì được bao lâu?

Từ sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp gia tăng trừng phạt Triều Tiên, giọng điệu của Bình Nhưỡng ngày càng trở nên gay gắt và leo thang, khắp nơi trên đất nước này mang đậm màu sắc sẵn sàng chiến tranh.

Triều Tiên tuyên bố Hiệp định Đình chiến là giấy lộn, hủy bỏ tuyên bố chung phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thỏa thuận không xâm phạm lẫn nhau ký với Hàn Quốc, đồng thời nói rõ “đã tới thời khắc cuối cùng của trận quyết chiến,” quân dân Triều Tiên sẽ dùng “phương thức chiến tranh kiểu Triều Tiên” để đối phó kẻ địch…

Thời kỳ Kim Jong-il lãnh đạo, mỗi lần Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung, Bình Nhưỡng đều có phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, phản ứng của Kim Jong-un ngày nay còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn, ngay cả Hiệp định Đình chiến hai miền Triều Tiên cũng bị hủy bỏ, điều này có nghĩa trạng thái Chiến tranh Lạnh mà hai miền Nam-Bắc gián tiếp định ra có thể bùng phát thành chiến tranh nóng bất kỳ lúc nào.

Kim Jong-un quyết liệt như vậy, nguyên nhân chủ yếu là các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa gần đây đều thành công, việc sở hữu vũ khí tấn công hiệu quả và lá chắn hạt nhân khiến tham vọng của Kim Jong-un càng "phình to." Nếu đi sâu xem xét điểm này, sự “điên cuồng” lần này của Kim Jong-un trên thực tế là “người say không phải do rượu,” cũng không phải là thực sự muốn nhóm lên ngọn lửa chiến tranh, mà là muốn giành được cái gì đó trên lĩnh vực ngoại giao cũng như nội chính.

Bình Nhưỡng hủy bỏ Hiệp định Đình chiến là nhằm ép Mỹ ký Hiệp định Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, để Mỹ và Hàn Quốc phải thừa nhận địa vị quốc gia bình thường của Triều Tiên. Hiệp định Đình chiến thời đầu ký kết đã quy định trong vòng 3 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, cần tổ chức hội nghị chính trị cấp cao song phương, giải quyết vấn đề một cách hòa bình, song một hội nghị như vậy cho đến nay vẫn chưa được tiến hành, các mối quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa được quyết định, khiến cho Triều Tiên không thể phát triển bình thường.

[Triều Tiên khẳng định hủy bỏ hiệp định đình chiến]

Nay, Triều Tiên thử hạt nhân và phóng thử tên lửa thành công, có thể tự bảo vệ về mặt an ninh. Kim Jong-un đưa vấn đề xây dựng quan hệ ngoại giao Triều-Mỹ vào chương trình nghị sự, hy vọng xây dựng được mối quan hệ ngoại giao với Mỹ, sau đó sẽ tái tập trung lực lượng phát triển kinh tế, xây dựng thành công “quốc gia cường thịnh.”

Tuy nhiên, Washington vẫn “án binh bất động”, tiếp tục xử lý lạnh nhạt vấn đề mà Triều Tiên mong mỏi, lại còn đặt điều kiện tiên quyết rằng nếu Bình Nhưỡng muốn thiết lập quan hệ ngoại giao, trước hết cần từ bỏ hạt nhân.

Do không được phía Mỹ coi trọng, Kim Jong-un đã “việc bé xé ra to”, cố tình tạo bầu không khí căng thẳng không bình thường tại khu vực Đông Bắc Á, mục đích là khiến Mỹ thêm phiền thêm rối. Ngoài ra, với việc nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mới lên nắm quyền, Kim Jong-un hy vọng lợi dụng chính sách cứng rắn để ép bà Park Geun-hye phải lộ tẩy chính sách đối với Triều Tiên, để xem liệu bà có chung đường lối với người tiền nhiệm Lee Myung-bak hay không?

Sự cứng rắn của Kim Jong-un có thể kéo dài bao lâu, điều này có liên quan tới mức độ phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc. Nếu như Mỹ và Hàn Quốc hồi đáp thiện chí, Bình Nhưỡng sẽ càng làm già, không ngừng khiến tình hình leo thang; song nếu Mỹ và Hàn Quốc không thèm đếm xỉa, tiếp tục xử lý lạnh nhạt, Bình Nhưỡng sẽ là “tay đấm bị bông”, sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi và vô vị, không thể không thu cờ dưỡng binh. Tuy nhiên, tình hình sẽ không vì thế mà yên ổn, Triều Tiên nay gây chuyện nhỏ, mai gây chuyện lớn đã trở thành hiện tượng bình thường trên vũ đài chính trị quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục