Kinh nghiệm tạo đam mê khoa học của Hàn Quốc

Chính sự phổ biến khoa học và công nghệ đến với thế hệ trẻ và người dân đã tạo nên sự thành công của Hàn Quốc như ngày nay.
Hàn Quốc vươn lên đứng thứ 6 thế giới về giao dịch thương mại trong khi dân số chỉ có hơn 50 triệu dân với thu nhập đầu người trung bình khoảng 21.000 USD/năm.

Sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc như hiện nay là nhờ những chính sách mang tính đột phá trong đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Đặc biệt, sự phổ biến khoa học và công nghệ đến với thế hệ trẻ và người dân đã tạo nên sự thành công của Hàn Quốc như ngày nay.

Khoa học gắn với “trực quan”

Những điều chúng tôi được chứng kiến tại Hàn Quốc là tình yêu khoa học từ thế hệ trẻ. Từ những đứa trẻ chưa đi học cho đến thế hệ những người lớn tuổi đều đam mê, tìm hiểu khoa học.

Viện Bảo tàng khoa học quốc gia Hàn Quốc đã góp phần “ươm” niềm đam mê, hứng thú và say sưa khám phá khoa học của họ. Những mô hình trực quan trong khoa học đã tạo được những ấn tượng và niềm đam mê đối với khách tham quan trong và ngoài nước.

Những điều tưởng như rất bình thường trong cuộc sống nhưng thông qua bảo tàng các em đã có những góc nhìn thực tế hơn như sét là gì, tại sao lại có sét khi trời mưa hay do đâu mà có sét... Điều này đã được hiện thực hóa thông qua mô hình trực quan được làm như thật để các em có thể thấy và cảm nhận.

Hay những điều giản đơn như hộp sữa chua các em ăn cũng đều được thể hiện qua các mô hình trực quan từ con bò vắt lấy sữa, qua các quy trình chế biến sữa rồi quá trình lên men để có những hộp sữa chua mà các em sử dụng hàng ngày.

Không chỉ những mô hình trực quan sinh động đơn giản, đời thường mà các mô hình trực quan công nghệ cao như tàu điện ngầm, robot, vũ trụ… cũng được thể hiện thông qua các mô hình trực quan để gieo niềm đam mê, khám phá từ thế hệ trẻ…

Đặc biệt, phần lớn các trang thiết bị của bảo tàng được thiết kế, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như video 3D và thiết bị mô phỏng tạo cho du khách những trải nghiệm thực về khoa học công nghệ thời hiện đại.

Viện bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc được thiết kế dựa theo khái niệm "Vươn tới vũ trụ," là một quần thể gồm nhiều khu vực trưng bày mô hình trực quan kết hợp giải trí như nhà khoa học, nhà thiên văn, trạm quan sát thiên văn, khu triển lãm ngoài trời, khu học tập về sinh thái, khu trại khoa học, công viên khoa học dành cho trẻ em, quảng trường văn hóa khoa học và nhà hát ngoài trời...

Đi vào hoạt động từ năm 2008, lượng người đến thăm bảo tàng ngày càng tăng, nếu năm 2009 là 1,1 triệu lượt người thì năm 2010, lượng người đến bảo tàng đã lên đến 1,3 triệu lượt và dự kiến tăng lên 1,5 triệu lượt vào năm 2011.

Theo đánh giá, Bảo tàng Quốc gia khoa học Hàn Quốc đang trở thành điểm đến hấp dẫn, niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo không chỉ của người dân Hàn Quốc mà còn hấp dẫn cả khách du lịch đến với Hàn Quốc.

Tạo bước chuyển mình


Khác với 50 năm trước, khi Hàn Quốc vừa chấm dứt chiến tranh, đất nước chưa phát triển, đất nước này cũng không có nhà khoa học, nhận thức được vai trò của khoa học và công nghệ, Chính phủ đã có chính sách “hấp dẫn” để thu hút các nhà khoa học đang làm việc tại Mỹ và châu Âu về làm việc trong nước.

Ông Youngho Lee, Phụ trách hợp tác quốc tế Viện KIST chia sẻ yếu tố thành công để thu hút nhà khoa học là tạo được lòng yêu nước của kiều bào nước ngoài để họ về nước làm việc.

Đằng sau đó có sự hậu thuẫn của chính phủ như chính sách trả lương cao gấp 3 lần, cấp nhà ở cho nhà khoa học về nước. Đặc biệt là Tổng thống mỗi tháng đến Viện để thăm các nhà nghiên cứu, nhà khoa học 1 lần và có những buổi hội đàm, gặp gỡ, trao đổi, đối thoại… với họ để họ thấy sự quan tâm của Chính phủ trong nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, một yếu tố thành công để thu hút các nhà khoa học là tạo cho họ thấy được triển vọng, tầm nhìn của họ khi làm việc trong nước.

Bước đầu tư đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ cùng với những chính sách mở, cơ chế tài chính “thông thoáng” trong những năm tiếp theo đã tạo ra nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có thương hiệu trên thế giới cho đến tận ngày nay như Hyundai, Samsung, LG...

Hiện nay, Hàn Quốc không còn chú trọng nhiều tới việc hỗ trợ các tập đoàn kinh tế đồ sộ, thay vào đó, đối tượng nhận sự hỗ trợ ưu tiên hàng đầu lúc này ở Hàn Quốc là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ mới.

Ông Lee Jeong Hyon, Chuyên gia Chính sách phát triển khoa học và công nghệ, Bộ Giáo dục-Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (MEST) nhấn mạnh: "Các tập đoàn lớn hiện nay đã đủ mạnh, vì vậy, chúng tôi tập trung đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn lớn không thể làm hết được từ khâu đầu đến khâu cuối vì vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ hoàn thiện một khâu nào đó trong chuỗi giúp các tập đoàn lớn. Do đó, chúng tôi cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bước đầu tiên để họ dần vững mạnh rồi có thể trở thành những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như các tập đoàn hiện có đã từng được hỗ trợ."

Cùng với sự hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hàn Quốc còn ưu tiên hỗ trợ cho việc hiện thực hóa các ý tưởng công nghệ của các doanh nghiệp trẻ, thậm chí cho cả những doanh nghiệp đang còn trong giai đoạn phôi thai chưa thành hình thông qua các trung tâm đào tạo và hướng dẫn doanh nghiệp, để làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, trường Đại học KonKuk, Hàn Quốc chia sẻ: “Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay ngoài việc tạo niềm đam mê cho sinh viên nghiên cứu khoa học là hỗ trợ giúp một sinh viên vừa ra trường - vừa thiếu vốn vừa thiếu kinh nghiệm tổ chức kinh doanh - hiện thực hóa được những ý tưởng tốt mà họ đang có trong đầu.”

Hiện nay, Hàn Quốc là nước mạnh về khoa học và công nghệ và với những mục tiêu mang tính dài hạn và hướng nhiều tới lợi ích xã hội, Hàn Quốc sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế của mình trên thế giới.

Theo ông Lee Jeong Hyon, với kinh nghiệm của Hàn Quốc, tin rằng Việt Nam sẽ có chính sách phù hợp trong bước phát triển của mình để trở thành nước mạnh về khoa học và công nghệ trong tương lai./.

Thu Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục