"Kinh tế châu Á phụ thuộc vào biến động bên ngoài"

Theo IMF, vận mệnh của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc nặng nề vào các nền kinh tế phát triển bên ngoài châu lục.
Ngày 1/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khẳng định mặc dù các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế toàn cầu nhưng vận mệnh của các nền kinh tế này vẫn phụ thuộc nặng nề vào các nền kinh tế phát triển bên ngoài châu lục.

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, Anoop Singh, nhấn mạnh thật là sai lầm khi cho rằng các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã có thể đứng vững tách rời các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Hai kịch bản khả thi nhất về phát triển của các nền kinh tế châu Á đều gắn chặt với các nước phát triển. Kịch bản thứ nhất là triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục sáng sau những chính sách phối hợp mới đây của khu vực đồng euro. Kịch bản thứ 2 là sự phục hồi mạnh của nền kinh tế Mỹ. Cả 2 kịch bản này đều báo hiệu một châu Á phụ thuộc nặng nề vào thương mại với các nước phát triển.

Trong bối cảnh này, châu Á có nhu cầu tăng về dòng vốn mới, thậm chí có thể lại phải chịu sức ép nặng nề từ sự "quá nóng" của nền kinh tế.

Ông Anoop Singh cảnh báo nếu rối loạn tài chính ở khu vực đồng euro leo thang và lan rộng ra toàn cầu, nhu cầu của các nền kinh tế phát triển về hàng hóa của châu Á cũng như nguồn tín dụng đổ vào châu Á sẽ giảm mạnh do các ngân hàng nước ngoài bị kéo căng về tài chính. Đây sẽ là đòn nghiêm trọng giáng vào các nền kinh tế châu Á.

Bên cạnh đó, nguy cơ giá năng lượng tăng cao do các cuộc khủng hoảng địa chính trị ngoài châu Á cũng sẽ đặt các nền kinh tế châu lục này trước quan hệ khó khăn giữa sức ép lạm phát và hiểm họa ngân sách do phải trợ cấp giá lương thực và năng lượng.

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF khẳng định chính sách của các nền kinh tế châu Á sẽ phải được quyết định dựa trên các xu hướng của các diễn biến toàn cầu.

Theo kịch bản tích cực hơn về các điều kiện kinh tế xã hội toàn cầu đang được cải thiện trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao đang tăng lên, các nền kinh tế châu Á cần xem xét lại chính sách siết chặt và tiếp tục bình thường hóa chính sách tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và không lạm phát.

Ngoài nhiệm vụ tức thời chống sức ép lạm phát cao, về trung hạn, các nền kinh tế châu Á cần tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững. Các nền kinh tế thu nhập thấp ở châu Á cần thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp từ bên ngoài kể cả từ các nền kinh tế châu Á khác để có thể tạo ra “sự thần kỳ châu Á.” Tái cân bằng sẽ giúp các nền kinh tế châu Á ít bị tổn thương hơn trước các cơn sốc kinh tế chính trị từ bên ngoài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục