Theo báo cáo nghiên cứu kinh tế Indonesia mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này sẽ tiếp tục đà suy thoái trong năm 2014.
Theo WB, sau khi liên tục đạt mức tăng trưởng cao trên 6% trong bốn năm trước đó, kinh tế Indonesia sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 5,6% năm 2013 và dự kiến tiếp tục giảm xuống mức 5,3% vào năm 2014.
Trưởng đại diện WB tại Indonesia, ông Rodrigo Chaves cho biết thu hút đầu tư giảm là một trong những yếu tố làm chậm tăng trưởng kinh tế của đất nước “Vạn Đảo”.
Mức tăng đầu tư trong quý 3/2013 chỉ đạt 4,5%, trong đó mối quan tâm đầu tư vào ngành chế tạo máy và các thiết bị giảm đáng kể.
Trong khi đó, kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dần gói kích thích kinh tế (QE) luôn là nhân tố đe doạ gây bất ổn trên thị trường vốn, cản trở Indonesia tiếp cận nguồn vốn từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, tiêu thụ trong nước - một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế - đang có xu hướng yếu đi.
Ngoài ra, gánh nặng trợ cấp nhiên liệu, năng lượng và lương thực ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng mở rộng cấp vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông Rodrigo Chaves cho rằng mặc dù đã thực hiện một loạt chính sách nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn, đặc biệt là thông qua điều chỉnh chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái, nhưng chính phủ và Ngân hàng Trung ương Indonesia cần tiến hành những cải cách cơ cấu sâu rộng hơn để phục hồi xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Ông cũng lưu ý việc cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, đơn giản hoá trong hậu cần và các quy định thương mại cũng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Trong báo cáo trên, WB cũng dự đoán thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia sẽ được thu hẹp, từ mức ước khoảng 3,5% GDP (tức 31 tỷ USD) trong năm 2013, xuống 2,6% GDP (23 tỷ USD) vào năm 2014, nhờ xuất khẩu được hưởng lợi từ việc đồng nội tệ rupiah mất giá so với USD, và nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, WB khuyến cáo trong dài hạn, đối phó với thâm hụt tài khoản vãng lai không thể bằng cách cắt giảm nhập khẩu, mà phải đẩy mạnh xuất khẩu và đảm bảo sự sẵn có nguồn vốn từ bên ngoài, chủ yếu thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)./.