Giới phân tích nhận định, mặc dù luật nâng trần nợ công đã được thông qua, nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, song giới chức Mỹ vẫn chưa tìm được cách giải quyết triệt để vấn đề và việc cắt giảm mạnh chi tiêu có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào một cuộc suy thoái khác. Theo kế hoạch nâng trần nợ công và cắt giảm hàng nghìn tỷ USD chi tiêu ngân sách vừa được Quốc hội phê chuẩn và được Tổng thống Barack Obama ký thành luật, ban đầu Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu khoảng 917 tỷ USD và trong tương lai sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 1,5 nghìn tỷ USD nữa. Nhà kinh tế trưởng Sherry Cooper, thuộc hãng dịch vụ tài chính hàng đầu Bắc Mỹ BMO Capital Markets nhận xét: "Việc thắt chặt ngân sách trong tình hình hiện nay có nguy cơ đưa kinh tế Mỹ tới một cuộc suy thoái khác." Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Tom Porcelli của hãng RBC Capital Markets tại New York, Mỹ cho rằng, sự không chắc chắn xung quanh trần nợ Mỹ có thể ảnh hưởng đến đánh giá của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, các dấu hiệu về một cuộc suy thoái mới của kinh tế Mỹ đang ngày một tăng. Theo khảo sát vừa công bố của ISM, chỉ số quản lý mua của ngành chế tạo Mỹ trong tháng Bảy đã giảm đáng kể từ 55,3 điểm trong tháng Sáu, xuống còn 50,9 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Còn theo ông Paul Dales, chuyên gia kinh tế của Capital Economics, trong điều kiện phải kiểm soát nợ, nước Mỹ có khả năng sẽ đi vào giai đoạn "thắt lưng buộc bụng" và điều này có thể sẽ cản trở sự phát triển. Ông Dales nói: "Mỹ đang cố gắng ổn định tình hình tài chính trong nước và hậu quả sẽ khiến nền kinh tế Mỹ chậm tăng trưởng trong một vài năm." Nhận định vấn đề này, Paul Krugman, người đạt giải Nobel kinh tế năm 2008 cũng cho rằng, luật trên sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ vốn đang trì trệ và có thể làm cho vấn đề thâm hụt ngân sách lâu nay thêm trầm trọng chứ không tốt hơn. Trước tiên về mặt kinh tế, kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn trì trệ sâu và nền kinh tế này gần như chắc chắn sẽ tiếp tục trì trệ trong năm tới và có thể kéo dài đến năm 2013, nếu không muốn nói là còn kéo dài hơn. Do đó, điều tệ nhất trong bối cảnh đó là việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ làm cho nền kinh tế thêm trì trệ. Theo ông Krugman, việc cắt giảm chi tiêu khi nền kinh tế đang đình trệ sẽ không giúp cải thiện tình hình ngân sách, thậm chí còn làm xấu đi.
Một mặt, lãi suất đối với các khoản vay liên bang hiện đang rất thấp, nên việc giảm chi tiêu sẽ không có tác dụng trong việc giảm chi phí chi trả lãi suất. Mặt khác, việc làm cho nền kinh tế yếu hơn vào thời điểm hiện nay cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến triển vọng dài hạn của nó và làm giảm nguồn thu trong tương lai. Phát biểu tại Nhà Trắng ngay sau khi ký ban hành luật nâng trần nợ công, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc các nhà lập pháp nước này tập trung hơn nữa vào biện pháp tăng trưởng và tạo việc làm để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng ảm đạm hiện nay. Ông Obama thừa nhận cuộc chiến nợ công kéo dài nhiều tháng qua đã cản trở sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Giờ đây, nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử đã được đẩy lùi, vì thế ông Obama một lần nữa kêu gọi sự hợp tác thực chất hơn nữa giữa hai đảng trong Quốc hội trong tiến trình phục hồi nền kinh tế đất nước. Tổng thống Obama nhấn mạnh, việc thông qua dự luật nâng trần nợ công chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường dài của tiến trình phục hồi kinh tế. Ngay sau khi Thượng Mỹ thông qua luật nâng trần nợ công vào trưa 2/8 (đêm 2/8 theo giờ Việt Nam), cả hai hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's và Futch đã giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm uy tín AAA của Mỹ. Tuy nhiên, Moody's và Futch cảnh báo, họ có thể đánh tụt hạng tín dụng của Mỹ nếu kỷ luật ngân sách không được siết chặt và tăng trưởng kinh tế tiếp tục xấu đi. Thị trường chứng khoán, sau khi tăng nhẹ trước thông tin các bên đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ và giảm ngân sách, đã quay đầu giảm điểm mạnh ngay sau khi các nhà đầu tư nhận được báo cáo đáng thất vọng về hoạt động sản xuất của Mỹ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,19% điểm xuống dưới 12.000 điểm và chỉ số công công nghiệp Nasdaq Composite giảm 2,75%, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2011. Trong khi đó, tình hình kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục ảm đạm, với sự sa sút của ngành chế tạo trong khi chi tiêu tiêu dùng vẫn không cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Bộ Thương mại Mỹ cho hay, kinh tế nước này trong quý II đã tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng trong quý I sau khi được điều chỉnh chỉ còn 0,4% so với tính toán ban đầu là 1,9%. Các số liệu này đều thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó của các nhà kinh tế, gây nên tâm lý bi quan về tình hình kinh tế Mỹ. Đặc biệt, chi tiêu tiêu dùng - đóng góp tới 70% GDP của Mỹ - đã suy yếu khi chỉ tăng 0,1% trong tháng Sáu, mức tăng thấp nhất kể từ khi suy thoái chính thức chấm dứt cách đây 2 năm./.
Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)