Bài phân tích trên trang Thinkchina.sg gần đây nhận định rằng với tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 không có dấu hiệu chậm lại và giữa bối cảnh các nước trên toàn thế giới đang chuyển hướng ra khỏi nền kinh tế truyền thống, đây là thời cơ để châu Á thúc đẩy lĩnh vực kinh tế số.
Cụ thể, khu vực sẽ có cơ hội để xem xét xây dựng một nền kinh tế số châu Á hội nhập hơn và thúc đẩy thương mại số cũng như một đồng tiền số chung.
Nói một cách đơn giản, kinh tế số là một nền kinh tế sử dụng kiến thức và thông tin được số hóa để hướng dẫn và nâng cao việc phân bổ các nguồn lực, nâng cao năng suất và mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao.
Ở cấp độ kỹ thuật, nền kinh tế số bao gồm việc sử dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IOT), chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng không dây 5G.
Theo Báo cáo phát triển Internet Trung Quốc 2020, nền kinh tế số của Trung Quốc trong năm 2019 đạt giá trị 35.800 tỷ nhân dân tệ (NDT), bằng 36,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về quy mô và tỷ lệ tăng trưởng.
Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 12/2020 đã đề xuất một cách rõ ràng việc phát triển số hóa, thúc đẩy thành lập và phát triển lĩnh vực công nghiệp số, tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng Internet, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và thương mại điện tử, nhằm xây dựng Con đường tơ lụa số.
Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gần đây và hoàn tất thành công các cuộc đàm phán về Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) được cho là đem lại đà tích cực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Hai hiệp định này bao gồm phần nội dung đáng kể về hợp tác trong nền kinh tế số, chẳng hạn như trong các lĩnh vực số hóa thương mại, thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghệ tài chính giữa các nước tham gia ký kết.
[Thái Lan công bố kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển kinh tế số]
Điều này chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc, châu Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giải phóng tiềm năng tăng trưởng khổng lồ của mình trong nền kinh tế số kỷ nguyên hậu COVID-19.
ASEAN là khu vực có nhiều người trẻ, với hơn một nửa dân số khu vực ở độ tuổi dưới 30. Tại đây, điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi trong giới trẻ và nền kinh tế Internet đang tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc, dự kiến sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.
Tháng 1/2021, sau các chuyến thăm chính thức đến một số nước ASEAN, cụ thể là Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, nhằm đưa quan hệ Trung Quốc-ASEAN lên tầm cao mới.
Với việc dịch bệnh cản trở sự phát triển của nền kinh tế truyền thống, và dưới cái bóng của chủ nghĩa đơn phương, đã xuất hiện tiềm năng lớn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế số không tiếp xúc.
Cộng với những xu hướng và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế số được nêu ở trên, đã đến lúc cần nắm bắt cơ hội để xây dựng một nền kinh tế số châu Á hội nhập hơn.
Vai trò của Singapore và Trung Quốc trong việc xây dựng nền kinh tế số
Ở châu Á, việc xây dựng nền kinh tế số là một phần then chốt trong sự phát triển chiến lược của Singapore và Trung Quốc những năm gần đây, và đem lại những kết quả đáng chú ý. Số hóa đã lan rộng và tác động đến những phân khúc khác nhau của sản xuất, phân phối, tiêu dùng và xuất-nhập khẩu.
Trong khi đó bán lẻ trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới, học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến và làm việc từ xa, cũng như các nền tảng chia sẻ nguồn lực khác nhau, đã giúp tăng cường việc sử dụng các dịch vụ số và góp phần giữ ổn định thị trường việc làm.
Công nghệ số cũng đã làm thay đổi một cách căn bản những phương thức sản xuất và mô hình kinh doanh của các nền kinh tế truyền thống. Ví dụ, sự xuất hiện của các nền tảng công nghiệp trực tuyến đã thúc đẩy việc lập kế hoạch chính xác và sản xuất của các công ty sản xuất.
Điều này cũng giúp thúc đẩy các nền tảng chuỗi cung ứng để các công ty đạt được khả năng quản lý hợp nhất và có hệ thống đối với dòng kinh doanh, hàng hóa, vốn và thông tin.
Trong lĩnh vực tài chính, một loạt đổi mới sáng tạo tiên phong trong công nghệ tài chính cũng đã tạo ra những nền tảng hệ sinh thái tài chính mới và khả năng tài chính bao trùm.
Singapore và Trung Quốc đã có kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển nền kinh tế số có thể đóng góp cho việc xây dựng một nền kinh tế số châu Á. Ví dụ, với sự thúc đẩy của cả hai nước, RCEP bao gồm các điều khoản cho việc công nhận về mặt pháp lý chữ ký số, và cho phép lưu trữ dữ liệu đối với các sổ cái bị phân tán.
Những đặc điểm này sẽ đẩy nhanh những nỗ lực của Singapore và Trung Quốc trong việc phát triển nền kinh tế số ở ASEAN. Cả hai nước có những khả năng và lợi thế tương ứng riêng duy nhất của mình và có thể có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế số ở châu Á.
Trong lĩnh vực kết nối số, Mạng lưới dịch vụ dựa trên blockchain (BSN) do Cục Thông tin và Phát triển Công nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin nhà nước của Trung Quốc thiết lập là cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu thế hệ thứ hai dựa trên công nghệ blockchain liên hợp và cơ chế đồng thuận về lòng tin.
Mạng lưới này đem lại các nguồn lực cơ sở hạ tầng blockchain cho công chúng, giúp giảm đáng kể chi phí phát triển, thiết lập, vận hành, kết nối và điều tiết blockchain, bởi vậy cho phép sử dụng và phát triển công nghệ blockchain một cách nhanh chóng trên diện rộng. Điều này có thể khuyến khích số hóa cơ sở hạ tầng của châu Á, góp phần chuyển đổi số nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng mang tính bao trùm.
Với sự phát triển của các công nghệ thông tin mới và nền kinh tế số, Singapore trong những năm gần đây đã tích cực đi đầu trong việc thiết lập các mối quan hệ đối tác kinh tế số với các nước như Trung Quốc, New Zealand, Australia và Chile, cũng như với ASEAN.
Các hiệp định đối tác kinh tế số song phương mới được ký kết để tăng cường sự kết nối số và các hiệp định này bao gồm hợp tác về thương mại số, khả năng tương tác giữa các hệ thống số, tăng cường dòng dữ liệu xuyên biên giới, đổi mới dữ liệu và công nghệ tài chính.
Ví dụ, tầm nhìn đằng sau việc thiết lập Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN và xây dựng một mạng lưới dữ liệu mở cho ASEAN là thúc đẩy sự hợp nhất số trong kinh tế và thương mại khu vực.
Việc thiết lập các hành lang dữ liệu kết nối các thành phố như Trùng Khánh, Quảng Châu và Thượng Hải với Singapore sẽ tăng cường sự hợp tác kinh tế và thương mại số giữa Trung Quốc và Singapore.
Từ quốc gia thương mại của ngày hôm qua chuyển sang nền kinh tế số của ngày hôm nay, Singapore đã có được rất nhiều kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch và xây dựng các thể chế, hệ thống và biện pháp trong hợp tác và kết nối thương mại quốc tế, cũng như trong sự quản trị, thiết lập các tiêu chuẩn và điều tiết các công nghệ mới và nền kinh tế số.
Ý nghĩa của việc thúc đẩy một nền kinh tế số châu Á
Thứ nhất, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, đã có sự chậm lại mang tính cơ cấu trong tăng trưởng thương mại toàn cầu. Dịch bệnh hiện nay khiến nhiều nước đảo ngược hay xem xét lại xu hướng toàn cầu hóa, đánh giá lại những rủi ro của việc phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng công nghiệp quốc tế và có khả năng gia tăng sản xuất mang tính cục bộ hoặc khu vực đối với một số hàng hóa và sản phẩm. Điều này có nghĩa là thương mại toàn cầu sẽ thu hẹp hơn nữa.
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã lưu ý rằng thương mại toàn cầu năm 2020 dự kiến thu hẹp khoảng 7-9% so với năm 2019, và các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn về thương mại số trong nội bộ châu Á sẽ giúp các nước châu Á đứng vững trước tác động của thương mại toàn cầu đang thu hẹp, hoặc giảm nhẹ được cú đánh.
Thứ hai, do xu hướng của sản xuất khu vực và những trình độ phát triển kinh tế khác nhau, một số nước ASEAN có những lợi thế rõ ràng so với Trung Quốc về chi phí sản xuất như đất đai và nhân lực, giúp thúc đẩy các công ty quốc tế ở Trung Quốc bắt đầu chuyển một phần hoạt động sản xuất sang các nước ASEAN này.
Sự phát triển của nền kinh tế số châu Á sẽ tạo điều kiện cho sự phối hợp và hội nhập tốt hơn của các doanh nghiệp ở châu Á, tạo ra một chuỗi giá trị công nghiệp mới của châu Á và xây dựng Con đường tơ lụa số ở châu Á.
Thứ ba, theo báo cáo triển vọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố hồi tháng 10/2018, trình độ số hóa ở các nền kinh tế khác nhau của châu Á cao hơn so với các nước ở các khu vực khác.
Ngay cả những nền kinh tế tương đối nghèo hơn của châu Á cũng tiến hành chuyển đổi số với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Trong 20 năm qua, đổi mới sáng tạo số đã đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người của châu Á.
Khu vực này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu quá trình số hóa toàn cầu và sẽ được lợi lớn từ sự tăng trưởng của các nền kinh tế số trong khu vực. Ví dụ, thương mại điện tử dường như đang nâng cao năng suất của các công ty, và chuyển đổi số có thể giúp cải thiện chi tiêu có mục tiêu và hợp lý hóa các quy trình đánh thuế.
Thứ tư, cùng với việc phát triển một nền kinh tế số châu Á hội nhập hơn, sẽ xuất hiện nhu cầu lớn hơn đối với một đồng tiền số chung để xử lý việc lập hóa đơn và thanh toán cho các giao dịch thương mại của châu Á.
Điều này sẽ có lợi cho việc phát triển một đồng tiền số của châu Á, dù điều đó có nghĩa là việc quốc tế hóa đồng NDT số của Trung Quốc hay một đồng tiền số nào khác mà các nước châu Á cùng phát triển.
Một đồng tiền số của châu Á sẽ giúp khu vực duy trì kiểm soát đồng tiền và số phận tài chính của chính mình, thay vì bị chi phối bởi đồng USD hay đồng tiền số quốc tế sắp tới - đồng Diem của Facebook.
Cuối cùng, việc xây dựng một nền kinh tế số châu Á sẽ giúp tăng cường các mối quan hệ giữa các nền kinh tế châu Á. Điều này giúp ích cho sự hội nhập kinh tế, an ninh khu vực và thậm chí là sự ổn định chính trị khu vực của châu Á./.