Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2021: Nhiều điểm sáng

Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 34,5%; 3.309 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 119,58%.
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2021: Nhiều điểm sáng ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nhưng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có nhiều điểm sáng khi hầu hết các nhóm ngành đều đạt mức tăng trưởng. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhất khi năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI và thực hiện chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư."

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết các chỉ tiêu đạt được trong tháng 1/2021 cho thấy kinh tế thành phố có sự duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 1/2021 đạt gần 120.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trong tháng 1/2021 đạt gần 42.500 tỷ đồng, đạt 11,64% dự toán, tăng 2,86%.

[Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội]

Theo Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các nhóm ngành đều duy trì mức tăng trưởng. Cụ thể, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 34,5%. Thành phố có 3.309 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 119,58%.

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 43,7%, trong đó ngành cơ khí tăng 44,3%, sản xuất hàng điện tử tăng 61,9%, hóa chất-cao su-nhựa tăng 51,7%, chế biến lương thực-thực phẩm-đồ uống tăng 27,3%.

Giá trị sản xuất công nghệ cao của Khu Công nghệ cao trong tháng 1/2021 đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 23,56%. Luỹ kế từ lúc hoạt động cho đến nay, Khu Công nghệ cao có 164 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 8,1 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt gần 988 tỷ đồng, tăng 2,2%. Trong tháng 1/2021, đã có 10 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường kinh doanh.

Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ, đạt trên 772.000 tỷ đồng cho hơn 370.000 khách hàng; miễn giảm lãi cho 110.000 khách hàng với dư nợ đạt 10.631 tỷ đồng.

Để ổn định và duy trì mức tăng trưởng kinh tế, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 2/2021, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và ổn định, phát triển kinh tế.

Thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo, kế hoạch của bộ, ngành Trung ương, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021, đồng thời thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư."

Đặc biệt, Thành phố sẽ chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện tốt ngay từ đầu năm 2021 Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp, có tính khả thi cao với tinh thần chủ động, tích cực hơn, năng động và sáng tạo hơn.

Thành phố cũng chủ động chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phong phú, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, nâng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2021 với tinh thần “an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm."

Cùng với đó, thành phố sẽ tổ chức chu đáo, an toàn các lễ hội Xuân, các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí gắn với tuyên truyền chính trị và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục