Kinh tế toàn cầu có nhiều rủi ro, không vững chắc

Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2011 và còn lâu mới phục hồi hoàn toàn.
Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc nhan đề: "Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2011" (WESP), dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2011 và 3,5% trong năm 2012, và còn lâu mới phục hồi hoàn toàn.

Kinh tế Mỹ dự kiến tăng khoảng 2,2% năm 2011, giảm so với mức 2,6% trong năm 2010; kinh tế của khu vực đồng euro dự kiến tăng 1,3% năm 2011 và 1,9% năm 2012.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng dự đoán khả năng kinh tế châu Âu có thể rơi vào suy thoái sau 1 hoặc 2 quý phục hồi; kinh tế Mỹ và Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm và cũng có khả năng suy thoái trong năm 2011. Sự phục hồi mạnh mẽ từ quý 3/2009 của các nền kinh tế đang phát triển đang thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Nhưng sự yếu kém của các nền kinh tế phát triển sẽ hạn chế tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở mức vừa phải từ 7% năm 2011 xuống 6% trong năm 2012.

Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra nhiều nhân tố đang ảnh hưởng đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu như tinh thần hợp tác giữa các nền kinh tế lớn hạn chế và điều đó thể hiện qua việc các nước không phối hợp để có biện pháp đối phó tiền tệ kịp thời dẫn đến tình trạng rối loạn và không vững chắc trên các thị trường tài chính. Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế đang từ bỏ các biện pháp kích cầu và đang bị đe dọa tỷ lệ thất nghiệp cao, phục hồi chậm trong những năm tới.

Từ năm 2007-2009, thế giới mất khoảng 30 triệu việc làm và con số này thậm chí có thể lớn hơn, vì chưa tính số việc làm tạm thời ở các khu vực không chính thức và tỷ lệ người chưa có việc làm trước, trong và sau khủng hoảng.

Tỷ lệ thất nghiệp ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, trừ một số nước như Đức và Australia, đang ở mức cao và khó có thể giảm trong 1 hoặc 2 năm tới.

Báo cáo của Liên hợp quốc dự đoán tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro giảm chậm. Do không có việc làm, tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tiếp tục hạn chế và góp phần làm giảm tăng trưởng kinh tế. Tương tự, tăng trưởng kinh tế yếu sẽ hạn chế việc tạo ra nhiều việc làm.

Bên cạnh đó, khả năng dễ mất ổn định trên các thị trường tiền tệ, do không có sự hợp tác về chính sách tiền tệ, đã gây căng thẳng giữa các nước về tiền tệ. Sự căng thẳng đó càng làm tăng tính không vững chắc của bức tranh kinh tế vĩ mô vốn không ổn định.

Báo cáo khẳng định, chính sách giảm mạnh số lượng ở Mỹ (thực chất đang in nhiều đồng USD hơn nữa) đang tạo sức ép đối với giá trị của đồng tiền dự trữ của thế giới và ảnh hưởng bất lợi cho các thị trường tiên tệ trên toàn cầu.

Liên hợp quốc cảnh báo căng thẳng tiền tệ và thương mại ngày càng cao có thể gây tình trạng rối loạn mới trên các thị trường tài chính.

Cơ quan này cũng nêu 5 thách thức cần được giải quyết, đó là: Tạo ra gói kích thích tài chính hơn nữa trong thời gian ngắn hạn; Cơ cấu lại gói kích cầu tài chính; Tránh hạn chế các tín hiệu quốc tế; Bảo đảm nguồn tài chính hiệu quả để thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; Tìm kiếm các biện pháp hiệu quả để tăng cường phối hợp chính sách quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục