Kinh tế Trung Quốc đi hết điểm ngoặt "chữ U"

Nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Trung Quốc đã phục hồi sau khi chạm đáy và bắt đầu đi lên, nghĩa là đã đi hết điểm ngoặt "chữ U".
Nhiều chuyên gia nhận định rằng kinh tế Trung Quốc đã phục hồi sau khi chạm đáy và bắt đầu đi lên, hay nói cách khác, kinh tế Trung Quốc đã đi hết điểm ngoặt "chữ U".

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của Trung Quốc đã có sự chuyển biến tốt sau khi chính phủ nước này đưa ra gói kích cầu. Theo đài Bắc Kinh, thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2008 là một trong những thị trường chứng khoán có mức giảm sút mạnh nhất trên thế giới. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải từ mức cao lịch sử là 6.124 điểm vào tháng 10/2007 đã liên tục giảm sút và có thời điểm chỉ còn 1.664 điểm.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 60%. Theo thống kê, mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý 4 năm 2008 là 6,8%, đến quý I năm nay giảm xuống còn 6,1%, nhưng trong quý II mức tăng GDP đã đạt khoảng 7%.

Kinh tế Trung Quốc có thể nhanh chóng đi lên nhờ chính phủ có chính sách kinh tế phù hợp. Đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc đã thi hành chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải.

Trong khi mở rộng quy mô cho vay, Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ, chấn hưng 10 ngành lớn như ngành thông tin điện tử, chế tạo trang thiết bị, ngành kho vận, thực hiện giảm thuế... nên đã thúc đẩy kinh tế phát triển bình ổn khá nhanh.

Ngoài nhân tố chính sách, Giám đốc Học viện Kinh tế Đại học Kinh tế Thương mại Thủ đô, giáo sư Trương Liên Thành cho rằng bản thân thực lực kinh tế của Trung Quốc cũng là cơ sở quan trọng để phục hồi.

Trung Quốc hiện có 20.000 tỉ nhân dân tệ tiền gửi tiết kiệm của nhân dân, gần 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ. Ngoài ra, kinh tế các nước phát triển trong 6 tháng đầu năm nay cũng xuất hiện một số dấu hiệu ấm trở lại. Đây là nguyên nhân bên ngoài tạo thuận lợi cho kinh tế Trung Quốc phát triển.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết hiện vẫn tồn tại biến số và rủi ro. Kinh tế Trung Quốc đang "chạm đáy", nhưng phần đáy này là dựa vào chính sách kinh tế, chứ không phải dựa vào sự phục hồi và tăng trưởng thực chất của nền kinh tế nên cơ sở chưa vững chắc. Hơn nữa, ngành địa ốc có rủi ro nhất định và vẫn có khả năng giảm sút.

Theo chuyên gia này, muốn thúc đẩy kinh tế mau chóng phục hồi, cần phải tăng thêm sức mua của người dân./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục