Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo báo cáo công bố ngày 24/10, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý 3/2022 đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự khởi sắc so với tốc độ tăng 0,4% ghi nhận vào qúy 2.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh 1Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong quý 3/2022, nhưng các biện pháp hạn chế COVID nghiêm ngặt, khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu rộng, cùng nguy cơ suy thoái toàn cầu đang thách thức những nỗ lực của chính phủ nước này trong việc thúc đẩy đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm tới.

Theo báo cáo chính thức công bố ngày 24/10, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý 3/2022 đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự khởi sắc so với tốc độ tăng 0,4% ghi nhận vào quý 2. Con số trên cũng cao hơn đáng kể mức dự báo 3,4% trong một cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của hãng tin Reuters.

Dù vậy, bất chấp sự phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt, cả ở trong và ngoài nước. Chiến lược “Không COVID” và căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm áp lực bên ngoài đến từ cuộc khủng hoảng Ukraine và suy thoái toàn cầu do xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát nóng.

[Trung Quốc khẳng định mở cửa toàn diện, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế]

Một cuộc thăm dò của Reuters dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 3,2% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%. Nếu thành sự thật, đó sẽ đánh dấu một trong những năm tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ qua của kinh tế Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra hơn 50 biện pháp hỗ trợ kinh tế kể từ cuối tháng Năm nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Thậm chí, giới chức Trung Quốc đã hạ thấp tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được đặt ra vào tháng Ba để bớt áp lực cho nền kinh tế.

Một báo cáo riêng biệt cũng cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng Chín vừa qua đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng tăng 4,5% và vượt mức 4,2% ghi được trong tháng 8/2022.

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ vẫn yếu khi chỉ tăng 2,5%, thấp hơn so với kỳ vọng 3,3% và thấp hơn đáng kể mức 5,4% của tháng trước đó. Tỷ lệ lao động thành thị thất nghiệp cũng tiến lên 5,5% trong tháng trước, với tỷ lệ thất nghiệp của nhóm từ 16-24 tuổi vẫn ở mức cao là 17,9%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục