Kinh tế Việt Nam quý I: Đã sáng hơn!

Tình hình kinh tế quý I, theo đánh giá của chính phủ, đã có nhiều diễn biến khả quan trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu. Đáng chú ý, Việt Nam vẫn là một trong số 12 quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương.

Tình hình kinh tế quý I, theo đánh giá của chính phủ, đã có nhiều diễn biến khả quan trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu. Đáng chú ý, Việt Nam vẫn là một trong số 12 quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương.

Tăng trưởng GDP trong 3 tháng đầu năm đạt 3,1%, tuy thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (7,49%), nhưng theo đánh giá của chính phủ, đây là nỗ lực lớn cả trong điều hành lẫn sự vươn lên của các thành phần doanh nghiệp.

Đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này, chính là nhờ phần lớn ở sự duy trì khá của dịch vụ, nông nghiệp và xuất khẩu; trong đó dịch vụ tăng 5,4% đã "kéo" cả tỷ lệ đóng góp vào GDP cho cả khu vực công nghiệp.

Đó là những nhận định được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp thường kỳ với báo giới chiều ngày 31/3.

Dư địa cho tăng trưởng là nông nghiệp

Tăng trưởng GDP trong 3 tháng đầu năm đạt 3,1%, tuy thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (7,49%), nhưng theo đánh giá của chính phủ, đây là nỗ lực lớn cả trong điều hành lẫn sự vươn lên của các thành phần doanh nghiệp. Đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này, chính là nhờ phần lớn ở sự duy trì khá của dịch vụ, nông nghiệp và xuất khẩu; trong đó dịch vụ tăng 5,4% đã "kéo" cả tỷ lệ đóng góp vào GDP cho cả khu vực công nghiệp.

Xuất khẩu tuy gặp khó, nhưng bù lại tiêu thụ ở thị trường trong nước lại tăng mạnh nhờ những giải pháp kích cầu tiêu dùng của chính phủ (tăng tới xấp xỉ 22%). "Xuất khẩu tháng 3 có tăng thêm, nhưng trong đó chủ yếu là xuất phát từ yếu tố vàng. Cứ mỗi tấn vàng xuất đi, chúng ta lãi 1 triệu USD." -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết.

Trong khi đó, về nhâp khẩu cũng đã nhìn thấy ở quý II một số đơn hàng nhập các thiết bị máy móc nguyên vật liệu nên nhiều khả năng sẽ có chiều hướng tăng lên, kích thích tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, giải ngân các nguồn vốn như ODA, FDI cũng có những dấu hiệu tích cực.

"Năm nay khác với mọi năm là tuy khó khăn nhưng FDI tăng vốn lại nhiều hơn đăng ký mới. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam là rất lớn vì tăng vốn cũng đồng nghĩa đây là tiền thực, giải ngân ngay." - Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định.

Ngay trong chiều 31/3, với việc ký Hiệp định khung cam kết tài trợ 900 triệu USD, Nhật Bản đã lại đưa tên mình trở lại danh sách một trong những tài trợ trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nâng tổng số tiền cam kết mà cộng đồng các nhà tài trợ dành cho Việt Nam trong năm nay lên 5,9 tỷ USD, vượt con số 5,4 tỷ USD cam kết năm ngoái.

Cùng với những tín hiệu vui này, quý I cũng đánh dấu sự "trở lại" của sản xuất nông nghiệp do những thuận lợi từ việc giảm giá thành vật tư trong khi giá xuất khẩu lương thực, nông sản trên thị trường thế giới đang có chiều hướng tăng cùng với nhu cầu của thị trường cao hơn năm trước.

Đánh bắt hải sản cũng "được mùa" do thời tiết thuận lợi và nhiều triển vọng về xuất khẩu sẽ được mở ra trong thời gian tới nếu như khai thông được hai thị trường có sức mua lớn là Nga và Brazil...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nền kinh tế vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn trong quý II tới, mà bên cạnh việc phụ thuộc vào tình hình thế giới thì còn phụ thuộc phần lớn vào khả năng điều hành của chính phủ.

Chính vì vậy, mặc dù quý II dự báo GDP sẽ tăng cao hơn quý I (khoảng từ 3,5-4,2% theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhưng "vẫn còn phải chờ xem kết quả từ gói các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng của chính phủ đến đâu".

"Trên cơ sở nhận định tình hình và thực tế của nước ta, chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét cho điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm còn khoảng trên 5% và lạm phát không quá 4%, bội chi ngân sách giữ ở mức 8% GDP", Bộ trưởng Phúc nói.

Con số này, theo Bộ trưởng Phúc, sẽ là khả thi nếu như chúng ta phát huy được những cơ hội ở trong khó khăn, thách thức. "Dư địa để tăng GDP chính là nông nghiệp, trong đó cần tập trung phát triển chăn nuôi và sản xuất lương thực. Cần phải triển khai mạnh các cơ chế, chính sách của Nghị quyết về tam nông, tạo điều kiện cho bà con nông dân vay vốn sản xuất." - ông Phúc cho hay.

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở chính sách

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Dự thảo về Nghị quyết phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp mà Bộ này soạn thảo đã nhận được sự đồng tình của các thành viên chính phủ. "Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh Dự thảo để trình lên Thủ tướng chính phủ chính thức phê duyệt trong thời gian sớm nhất để tạo quỹ nhà ở cho các đối tượng chính sách." - Thứ trưởng Nam nói.

Theo ông Nam, Dự thảo Nghị quyết này đã đưa ra rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở cho 3 loại đối tượng là sinh viên các trường đại học, cao đẳng; công nhân tại các khu công nghiệp tập trung và những người có thu nhập thấp, dưới 1,5 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) là 0% đối với các hợp đồng thuê nhà ở công nhân và nhà cho người thu nhập thấp đồng thời được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Các doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho công nhân (không thu tiền thuê hoặc có thu tiền thuê nhưng giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở xã hội theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đều sẽ được tính là chi phí hợp lý (tính vào giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp thuê nhà ở cho công nhân thì được tính chi phí thuê nhà ở là chi phí hợp lý kinh tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh, vì là nhà ở cho các đối tượng chính sách nên chi phí cho thuê chỉ tính đủ theo các chi phí từ điện, nước, duy tu bảo dưỡng, mà không có chuyện tính để đủ thu hồi vốn.

Về các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở này, Thứ trưởng Nam cho hay, mục tiêu sẽ là "phủ sóng" nhà ở cho sinh viên tại các địa phương có tập trung phần lớn các trưởng đại học như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên..., mà trước mắt là tạo nhà ở cho thêm khoảng 200 nghìn sinh viên, nâng tổng số sinh viên có nhà để thuê lên 400 nghìn SV vào năm 2011, chiếm 40% tổng số SV trong cả nước.. Dự kiến, nguồn vốn bỏ ra cho giai đoạn này lên tới 8.000 tỷ đồng, sẽ được lấy từ vốn phát hành trái phiếu chính phủ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nam cũng cho biết, để tránh tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra các hạn chế trong việc chuyển nhượng, bán sang tên nhà ở loại này. Theo đó, những người thuộc diện được mua (với giá dự kiến khoảng 200 triệu đồng/căn hộ) hay công nhân thuê nhà sẽ không được bán lại hay cho thuê lại, cho ở nhờ hoặc chuyển nhượng hợp đồng thuê cho người khác./.

Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục