Kon Tum: Nhà máy nghìn tỷ đồng nhưng xử lý rác thải thủ công

Việc nhà máy xử lý rác có mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng nhưng lại xử lý theo kiểu thủ công đã gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Kon Tum: Nhà máy nghìn tỷ đồng nhưng xử lý rác thải thủ công ảnh 1Rác chủ yếu được chôn, đốt lộ thiên. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Nhiều năm qua, việc xử lý rác thải của thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và các địa phương lân cận tại nhà máy xử lý và tái chế rác thải Kon Tum đều thực hiện theo kiểu chôn lấp và đốt. Việc xử lý rác kiểu thủ công trên đã làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Năm 2013, Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Kon Tum (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum) được triển khai xây dựng tại phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum. Nhà máy có công suất theo thiết kế 200 tấn rác sinh hoạt/ngày, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.

Năm 2017, nhà máy đi vào hoạt động mang theo nhiều kỳ vọng của người dân trong việc xử lý triệt để rác thải, không gây ô nhiễm môi trường.

Theo thiết kế, khi rác đưa vào nhà máy sẽ được phân loại, tách riêng, rác hữu cơ được chế biến thành phân vi sinh, nilon xử lý thành hạt nhựa. Với rác độc hại, nguy hại có điểm xử lý riêng. Nhà máy có lò đốt chất thải rắn để xử lý rác thải không còn khả năng tái chế…

Từ khi đi vào hoạt động, rác thải sinh hoạt của thành phố Kon Tum và các huyện lân cận như Sa Thầy, Kon Rẫy… đều được các chủ đầu tư (Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố) đặt hàng, chỉ định cho nhà máy này xử lý.

[Yêu cầu xử lý các điểm nóng ô nhiễm, giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống 30%]

Được ưu ái nhưng nhiều năm qua, chính quyền và các ngành chức năng địa phương đã yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum nghiêm túc thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt.

Nhà máy không có hệ thống lò đốt chất thải rắn để xử lý rác thải không có khả năng tái chế nên rác được phân loại, làm phân vi sinh, hạt nhựa còn lại chôn và đốt lộ thiên.

Việc nhà máy xử lý rác có mức đầu tư lớn nhưng lại xử lý theo kiểu thủ công đã gây ô nhiễm môi trường (hôi, cháy âm ỉ, khói bốc lên hàng ngày) khiến người dân bức xúc.

Kon Tum: Nhà máy nghìn tỷ đồng nhưng xử lý rác thải thủ công ảnh 2Rác chủ yếu được chôn, đốt lộ thiên. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Trước sự việc trên, năm 2020, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã kiểm tra nhà máy này. Tại đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Kon Tum (công văn số 1349/STNMT-CCBVMT ngày 1/6/2020). Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đầu tư lò đốt chất thải rắn; cấm việc đốt rác lộ thiên trong khu vực nhà máy…

Tuy nhiên đến nay các giải pháp bảo vệ môi trường của nhà máy xử lý rác vẫn chưa thực hiện. Việc xử lý rác vẫn tiến hành thủ công như trước đây.

Ông Nguyễn Văn Nghinh, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum thừa nhận nhà máy chưa đầu tư lò đốt, chưa hoàn thành nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường.

Vì không đảm bảo yếu tố môi trường nên Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum đã bị loại hồ sơ trong buổi đấu thầu thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải năm 2021 của thành phố Kon Tum - địa bàn cung cấp 80% rác để nhà máy xử lý.

Ông Phạm Văn Khánh, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Kon Tum, chủ gói mời thầu cho biết gói thầu thu gom, vận chuyển, xử lý rác nhưng hồ sơ kỹ thuật của liên doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum không có các tài liệu để chứng minh nhà máy đã hoàn thành và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

Cụ thể, thiếu văn bản kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng với nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định của cơ quan có thẩm quyền đối với nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, máy móc thiết bị chưa đáp ứng theo hồ sơ mời thầu, không đủ phương tiện vận chuyển…

Năm 2020, tỉnh Kon Tum đã có thêm một Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà (tại địa bàn huyện Đăk Hà) đưa vào hoạt động đã tạo sự cạnh tranh trong việc thu gom xử lý rác trên địa bàn thành phố Kon Tum và các địa phương lân cận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục