Kỵ binh cô-dắc Nga ngày 12/8 đã bắt đầu cuộc hành quân dự tính kéo dài hai tháng tới Paris để kỷ niệm hai thế kỷ ngày diễn ra trận đánh có ý nghĩa quyết định của Nga chống Napoleon, dẫn tới sự sụp đổ sau đó của đế chế Pháp. Đoàn kỵ binh dự tính sẽ đi 2.500 km và tiêu tốn số tiền 2,5 triệu USD để quảng bá cho hình ảnh toàn cầu của nước Nga. Hai mươi ba kỵ binh cô-dắc sẽ tái hiện lại cuộc hành quân của quân đội Nga về Paris trong giai đoạn 1812-1814, đi qua Belarus, Ba Lan, Litva, Đức và Pháp, một phần của các hoạt động lễ hội được tổ chức kỷ niệm cuộc chiến tranh 1812-1813. Tháng 9 này, Nga sẽ kỷ niệm đúng 200 năm ngày diễn ra trận đánh sống còn Borodino ở ngoại ô Matxcơva giữa quân đội Nga và quân của hoàng đế Pháp Napoleon vào năm 1812. Mặc dù quân Nga thua trận song trận đánh đã khiến quân đội của Napoleon suy yếu đáng kể, dẫn tới thất bại sau đó của lực lượng Pháp. Các kỵ binh cô-dắc nhấn mạnh lần này họ hành quân trong hòa bình. “Chúng tôi muốn vào Paris không có ngựa”, Alexander Kolyakin, trưởng đoàn kỵ binh, nói với các phóng viên ngày Chủ nhật. “Chúng tôi sẽ không xiên lưỡi lê vào ai mà chỉ muốn rửa chân ở sông Seine”. Bắt đầu từ công viên tưởng niệm Poklonnaya Gora ở Matxcơva , đoàn kỵ binh dự kiến tới Fontainebleau vào cuối tháng 10. Đó là địa điểm lịch sử nơi vị hoàng đế Pháp bại trận bị phế truất vào năm 1814. Tổng thống Nga Vladimir Putin, vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 5, đã cam kết tăng cường hình ảnh nước Nga trên trường quốc tế và khơi dậy lòng yêu nước từ người dân Nga. Trong bài phát biểu mang tính cột mốc hồi tháng 2, ông Putin nhắc lại trận Borodino, nói rằng những người Nga có thói quen chiến thắng “từ trong gene” và sẽ không cho phép những lực lượng nước ngoài đùa giỡn với các lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, cuộc diễu hành của kỵ binh cô-dắc lần này không có hàm ý chính trị nào hết, theo lời các nhà tổ chức. “Sự kiện này nên được coi là một biểu tượng của sự đoàn kết giữa các dân tộc châu Âu được kết nối với nhau không chỉ bởi những lợi ích kinh tế mà cả văn hóa và lịch sử chung,” nhà tổ chức nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi muốn tưởng niệm những người lính đã ngã xuống, dù là người Nga hay người Pháp,” Pavel Moshchalkov, một thành viên ban tổ chức, nói với AFP. Ông Moshchalkov, một người nuôi ngựa, nói cuộc diễu hành còn có mục đích khác là tăng nhận thức về loài ngựa hiếm Don đang ngày càng giảm dần số lượng.
Cuộc diễu hành của kỵ binh cô-dắc lần này không có hàm ý chính trị nào hết, theo lời các nhà tổ chức (Nguồn: AFP)
“Giống ngựa Don đang chết dần chết mòn,” ông nói. Nhà tổ chức cũng hy vọng sẽ sắp xếp một cuộc bán đấu giá từ thiện ở Fontainebleau để giúp cứu loài ngựa hiếm tuyệt đẹp này. Các thành phố trên hành trình bao gồm thủ đô Belarus, Minsk, Kaunas ở Litva, Warsaw ở Ba Lan, Leipzig ở Đức và Nancy ở Pháp. Một người phát ngôn của Cơ quan hải quan liên bang Nga đã giúp tổ chức sự kiện này nói cuộc diễu hành được tài trợ bởi kinh phí tư nhân, với các khoản đóng góp từ doanh nghiệp và các cá nhân. Ông Alexander Bukovsky, một thành viên ban tổ chức, ước tính chi phí cho chuyến đi là 80 triệu rúp (2,5 triệu USD). Nga thường có truyền thống kỷ niệm các chiến thắng quân sự rất hoành tráng./.
Trần Trọng (Vietnam+)