Kỳ họp Quốc hội ghi nhận hoạt động chất vấn hiệu quả, ‘đúng và trúng’

Kỳ họp Quốc hội ghi nhận hoạt động chất vấn hiệu quả, 'đúng và trúng'

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục để lại dấu ấn đặc biệt, khắc họa đậm nét hình ảnh Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân, đặc biệt là hoạt động chất vấn được đánh giá cao.
Chiều 15/11, Quốc hội khóa XV tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ tư với việc biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết của kỳ họp. (Ảnh: TTXVN)
Chiều 15/11, Quốc hội khóa XV tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ tư với việc biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết của kỳ họp. (Ảnh: TTXVN)

Sau 21 ngày làm việc liên tục, khẩn trương và trách nhiệm rất cao trước cử tri và nhân dân cả nước, chiều 15/11, Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV đã bế mạc và thành công tốt đẹp.

Có thể nói, với sự đổi mới liên tục trong việc tổ chức kỳ họp, các phiên thảo luận và chất vấn… Kỳ họp này tiếp tục để lại những dấu ấn đặc biệt, khắc họa đậm nét hình ảnh Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân. Đáng chú ý, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này được đông đảo cử tri đánh giá cao, thực chất và hiệu quả.

2,5 ngày và 4 nhóm vấn đề

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20/10-15/11. Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 7 dự án luật khác.

Quốc hội cũng tiến hành xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 202; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; công tác nhân sự và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

[Quốc hội tán thành cao với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023]

Mặc dù là kỳ họp cuối năm, với số lượng công việc vô cùng lớn song theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, những nội dung đưa ra tại Kỳ họp đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng đó các đại biểu cũng có nhiều thời gian để nghiên cứu, góp ý các dự thảo luật, các vấn đề quan trọng Chính phủ trình tại kỳ họp này nhằm xây dựng các chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo động lực cho phát triển đất nước.

Điểm nhấn tại Kỳ họp này là phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thẳng thắn và không kém phần hấp dẫn. Chỉ trong 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Cùng với các Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính, đã có 4/4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 7 Bộ trưởng gồm các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham gia trả lời giải trình làm rõ thêm các nội dung liên quan.

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp có 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn và 22 lượt đại biểu tranh luận.

Nội dung trả lời đi tận cùng vấn đề

Đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng qua 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn có thể thấy không khí ngày càng sôi động, có tính chất xây dựng cao.

Kỳ họp Quốc hội ghi nhận hoạt động chất vấn hiệu quả, 'đúng và trúng' ảnh 1Quốc hội chất vấn và nghe trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Thanh tra. (Ảnh: TTXV)

Số lượng đại biểu đăng ký chất vấn để mong muốn truyền tải những thắc mắc, mong mỏi của cử tri cũng nhiều hơn. Các câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, gần như không bị trùng lặp ý kiến; nội dung tranh luận cũng mang tính gợi mở, hiến kế cho Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Bên cạnh đó, Chủ tọa điều hành các phiên chất vấn đã thể hiện sự sắc sảo, linh hoạt, trách nhiệm đồng thời theo sát diễn biến của các lĩnh vực cũng như phần trả lời của các vị tư lệnh ngành để có điều chỉnh phù hợp, giúp nội dung phiên chất vấn đi vào trọng tâm, trọng điểm.

Còn theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhận xét một trong những điểm đổi mới tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là Quốc hội đã xin ý kiến và thông báo các nội dung chất vấn cũng như các Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn từ sớm. Điều này cũng thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội, tiếp tục đổi mới về nội dung cũng như phương thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp.

Nữ đại biểu cho rằng việc lựa chọn các vấn đề cũng như thông báo các nội dung để các vị Bộ trưởng chuẩn bị đăng đàn trong kỳ họp này từ sớm giúp đại biểu Quốc hội có thời gian cũng như lựa chọn những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm để chất vấn Bộ trưởng

“Chất vấn là hình thức giám sát rất quan trọng của Quốc hội. Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng sẽ giám sát đến cùng các câu hỏi cũng như các giải pháp mà các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã nêu trước Quốc hội, nhằm nâng cao hơn nữachất lượng công tác giám sát, giúp Bộ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và tham mưu cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành,” đại biểu Đặng Thị Ngọc Bích nói.

Có thể thấy, bên cạnh những con số ấn tượng ấy, cử tri và Nhân dân cả nước, có thể cảm nhận không khí nghị trường nóng bỏng khi chứng kiến phần hỏi đáp của các đại biểu Quốc hội và các trường ngành, dưới sự điều hành của lãnh đạo Quốc hội.

Đánh giá về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết việc lựa chọn đúng và trúng vấn đề, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của bộ máy nhà nước và người đứng đầu cơ quan.

Hơn nữa, kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy các vị đại biểu Quốc hội đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vào chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Nhiều đại biểu Quốc hội đặt lại câu hỏi tranh luận đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, tiếp tục có các giải pháp phù hợp để khắc phục.

“Nội dung chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, cũng chính là sự chia sẻ, đồng hành trong quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, tìm ra các giải pháp, các quyết sách phù hợp, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục