Kỳ họp thứ 2 thể hiện nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp

Các đại biểu nhìn nhận Kỳ họp thứ 2 thể hiện nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Kỳ họp thứ 2 thể hiện nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp ảnh 1Quang cảnh lễ bế mạc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 23/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc, khép lại những ngày làm việc tích cực, khẩn trương, đạt được kết quả đã đặt ra từ đầu kỳ họp.

Bên lề Quốc hội, các đại biểu nhìn nhận Kỳ họp thứ 2 đã thể hiện nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) khẳng định Kỳ họp thứ 2 đã thể hiện rất nhiều đổi mới rất cần thiết để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới này bám sát các quy định về trình tự thủ tục và theo quy định của pháp luật.

Trong từng nội dung, Đoàn Chủ tịch đã có những cách thức tổ chức điều hành công việc phù hợp, hiệu quả. Cụ thể trong công tác xây dựng pháp luật, một vấn đề đặt ra qua tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là việc các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình dự án luật trước Quốc hội cần tích cực hơn, bám sát hơn quá trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cũng như xem xét thông qua dự án luật.

Một điểm đổi mới nổi bật đáng ghi nhận đó trong phần thảo luận các dự án luật tại hội trường, có sự tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội và Trưởng ban soạn thảo dự án Luật.

Đại biểu Trường Giang đánh giá đây là sự đổi mới cần thiết, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đây là lần đầu áp dụng cách thức này trong Quốc hội, bên cạnh hiệu quả, nên theo đại biểu việc đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến của mình là cần thiết, ban soạn thảo cần trả lời thẳng vào những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời không nên để giải trình tất cả các vấn đề vào cuối phiên thảo luận.

"Có thể trong phiên điều hành, Đoàn Chủ tịch cần linh hoạt hơn, khi có nhiều vấn đề mà đại biểu nêu, Trưởng ban soạn thảo thấy cần trao đổi lại sẽ phải trao đổi ngay," đại biểu đề xuất.

Đối với phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, đại biểu Trường Giang nhận thấy các đại biểu Quốc hội đã có sự nghiên cứu và qua quá trình thực tiễn các hoạt động của địa phương, các bộ, ngành đã có những đánh giá rất sát với tình hình thực tiễn, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.

Cách điều hành phiên thảo luận quan trọng này đã có sự linh hoạt trong thời gian thảo luận của mỗi đại biểu, lúc đầu là 7 phút nhưng sau đó, khi những vấn đề nêu ra đã có sự tập trung hoặc có sự trùng nhau, Đoàn Chủ tịch đã rút xuống 5 phút và cũng đặt ra vấn đề tranh luận.

"Tôi thấy cách điều hành này tuy mang tính kỹ thuật nhiều nhưng sẽ góp phần rất lớn vào việc thảo luận về kinh tế-xã hội để đưa ra những giải pháp trong thời gian tới," đại biểu nêu.

Theo đại biểu, sau khi kết thúc mỗi phiên thảo luận, cần có sự định hướng cho phiên tiếp theo, qua đó sẽ tập trung hơn, góp phần định hướng rõ những vấn đề, những nội dung đại biểu Quốc hội cần tập trung cho ý kiến.

Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là một nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý của cử tri và nhân dân cả nước. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội khóa XIV tổ chức phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Nội dung chất vấn đi vào các nhóm vấn đề - một điểm mới trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Qua theo dõi 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ, theo đại biểu Trương Giang, cách thức tiến hành đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều hành, Đoàn Chủ tịch đã rất linh hoạt, đặc biệt là việc chất vấn và trả lời chất vấn, có sự tranh luận giữa đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng. Đây là cách làm hiệu quả để Bộ trưởng làm rõ những vấn đề mà cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.

Riêng về vấn đề chất vấn, đại biểu đánh giá "nếu như tiếp tục triển khai thực hiện tốt theo hướng như Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra trong Kỳ họp thứ 2, sẽ góp phần cho phiên chất vấn sôi động hơn, qua đó giúp cho Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ nhận ra được trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và điều hành kinh tế-xã hội."

Theo đánh giá của đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định), điểm đổi mới khác biệt của Kỳ họp này là việc các đại biểu Quốc hội được quyền giơ bảng tranh luận về những vấn đề quan tâm, qua đó làm sáng rõ vấn đề.

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu rất sôi nổi, có sự tranh luận trở lại để góp phần xây dựng luật khả thi, dễ dàng đi vào cuộc sống.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét kinh tế-xã hội năm 2016 và phương hướng năm 2017; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm... qua đó góp phần để kinh tế đất nước phát triển bền vững và thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhìn nhận sau gần 1 tháng làm việc với tinh thần dân chủ, quyết liệt và đầy trách nhiệm, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành xong khối lượng công việc đặt ra, từ xây dựng pháp luật, thảo luận và quyết định về các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Những vấn đề, nội dung được Quốc hội lựa chọn đưa vào chương trình làm việc lần này, theo đại biểu được cử tri đánh giá cao và rất tin tưởng.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được cử tri làm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất vui mừng và phấn khởi...

Đại biểu cảm nhận được chứng kiến một Quốc hội trách nhiệm, dân chủ, nhìn thẳng nhìn vào sự thật. Quốc hội chỉ ra yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực; những hạn chế trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, công tác quy hoạch...

Với trách nhiệm trước cử tri cả nước, các vấn đề quốc kế dân sinh đã được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự, thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục