Kỳ họp thứ nhất: Trọng tâm là công tác tổ chức, nhân sự cấp cao

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ nhất: Trọng tâm là công tác tổ chức, nhân sự cấp cao ảnh 1Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời các câu hỏi của các cơ quan báo chí. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 17/7, tại Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Họp tập trung 11,5 ngày

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/7 tại Nhà Quốc hội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 11,5 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 31/7/2021).

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức thành công rất tốt đẹp.

Đặc biệt, cả nước đang tích cực triển khai công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, đợt dịch bùng phát lần thứ tư với diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm. Kỳ họp lần này có vai trò rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế-xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự.

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh (nếu có); phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[Rút ngắn thời gian họp, bảo đảm an toàn kỳ họp đầu Quốc hội khóa XV]

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ làm Lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Quốc hội xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.

Kiện toàn 50 chức danh lãnh đạo

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc kiện toàn nhân sự cấp cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ kiện toàn tất cả các chức danh theo quy định, tổng cộng 50 chức danh. Các chức danh khối tư pháp, Hội đồng Quốc phòng và An ninh cũng được kiện toàn. Riêng phía Chính phủ, hiện đang có 5 Phó Thủ tướng; tuy nhiên, trong kỳ họp này chỉ kiện toàn 4 Phó Thủ tướng, cơ bản là các thành viên tái cử.

Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, theo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ, tại Kỳ họp thứ nhất, công tác nhân sự là nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện trong cả nhiệm kỳ.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, liên thông về công tác cán bộ, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã kiện toàn một bước công tác nhân sự. Việc kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV là đúng theo Hiến pháp và các quy định của pháp luật là hoạt động theo nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, việc thực hiện các nghi lễ theo quy định cũng thể hiện sự cam kết, thực hiện lời hứa của các chức danh cấp cao của bộ máy Nhà nước trước cử tri và đồng bào.

Kỳ họp thứ nhất: Trọng tâm là công tác tổ chức, nhân sự cấp cao ảnh 2Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trả lời các câu hỏi của phóng viên cơ quan báo chí. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Thanh thông tin thêm, tại kỳ họp này, các chức danh đã được báo cáo Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đã thông qua các Đề án liên quan đến chức danh của Quốc hội và Đề án cơ cấu Chính phủ. Theo đó, trước mắt, bộ máy tổ chức Chính phủ sẽ kiện toàn 27 chức danh gồm: Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng và 18 bộ trưởng, 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Rút ngắn thời gian nhưng không ảnh hưởng chất lượng

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh họp tập trung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các tỉnh phía Nam đang có dịch phức tạp, việc họp là quan trọng nhưng việc chống dịch cũng quan trọng không kém nên sẽ có một số lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh xin phép vắng mặt. Hiện số đại biểu này đang được thống kê. Đặc biệt, có một số đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với F0 (tức là F1) nên không thể tham gia kỳ họp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Ông Bùi Văn Cường chỉ rõ, công tác phòng, chống dịch đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện đã có 435/499 đại biểu Quốc hội đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Các đại biểu Quốc hội trước khi về Hà Nội họp phải xét nghiệm 3 lần. Đối với những địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải xét nghiệm thêm 2 lần nữa.

Những đại biểu này sẽ ở khách sạn riêng, đi bằng phương tiện riêng, đi vào trong Quốc hội bằng lối riêng và ngồi ở khu vực riêng. Việc ăn ở, đi lại cũng được Văn phòng Quốc hội tính toán các phương án, sắp xếp phòng họp riêng trong trường hợp phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã được rút ngắn 5 ngày theo dự kiến ban đầu. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, việc giảm thời gian họp hoàn toàn không ảnh hưởng tới chất lượng của kỳ họp. Quốc hội làm việc cả hai ngày thứ Bảy, chỉ được nghỉ một ngày Chủ Nhật. Nếu cần thiết, các đại biểu còn làm việc ngoài 17 giờ.

Tuy đẩy thời gian lên nhưng mọi quy trình không thay đổi, vẫn tuân thủ chặt chẽ các bước theo quy định. Việc rút ngắn này là để các lãnh đạo, đại biểu có thể sớm về địa phương, đơn vị, tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch cũng như thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục