Kỷ niệm 52 năm TTXVN giải phóng Trung Trung bộ

Cách đây hơn nửa thế kỷ, một số cán bộ của Việt Nam Thông tấn xã được cử vào Khu V xây dựng lực lượng cho Thông tấn xã Giải phóng.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào cuối năm 1959, một số cán bộ của Việt Nam Thông tấn xã được cử vào Khu V xây dựng lực lượng cho Thông tấn xã Giải phóng.

Các đồng chí đã được chứng kiến cuộc khởi nghĩa ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) và tin về khởi nghĩa Trà Bồng có thể được coi là thông tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ, trước khi chính thức ra đời vào năm 1960.

Từ đó đến nay, trải qua 52 năm, thời gian cất bước với sự xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng trước đây, Cơ quan Đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng ngày nay vẫn không ngừng đóng góp trí tuệ, tâm huyết để xây dựng, tôn vinh danh hiệu cao quý Thông tấn xã Việt Nam và sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà. Qua nhiều lần di chuyển địa điểm, nhưng Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ vẫn luôn luôn bên cạnh Ban Tuyên huấn Khu V tại các khu căn cứ Nước Oa (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam), rồi sau đó chuyển đến khu căn cứ Phước Trà (huyện Hiệp Đức) trước khi cùng đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản thành phố Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975 và các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

Do yêu cầu của tình hình cách mạng ở chiến trường Khu V, từ cuối năm 1960, Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ đã có 2 bộ phận nghiệp vụ: Bộ phận thông tin (viết tin, bài và chụp ảnh), thuộc sự quản lý của Ban Tuyên huấn Khu V; Bộ phận kỹ thuật - Đài Minh ngữ thuộc Cụm điện đài Văn phòng Khu ủy V (vì lúc này, cơ quan chưa kịp đưa đủ cán bộ và phương tiện kỹ thuật vào phục vụ chiến trường Khu V).

Nhiệm vụ của Đài Minh ngữ là phát tin tức từ chiến trường về Tổng xã (VNTTX) và cho Thông tấn xã Giải phóng miền (LPA) để báo cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cung cấp tin, ảnh cho các cơ quan thông tấn báo chí; đồng thời thu tin tham khảo từ Tổng xã chuyển vào cung cấp cho các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu V phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo ở chiến trường.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, TTXVN tại Đà Nẵng đã qua nhiều lần thay đổi tên gọi cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng thời kỳ, ngày 20/10/2008 với tên gọi Cơ quan Đại diện TTXVN tại Đà Nẵng - lần đầu tiên đơn vị được Tổng Giám đốc ủy quyền quản lý toàn diện hoạt động của 11 phân xã khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.

Là địa bàn có vị trí chiến lược, hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng, đặc biệt rất “nhạy cảm” về tình hình tôn giáo, dân tộc và chủ quyền biên giới, biển đảo, lãnh đạo ngành TTXVN luôn đặt ra yêu cầu đảm bảo công tác thông tin trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đúng định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ hàng đầu của các phân xã trong khu vực và Cơ quan đại diện Đà Nẵng.

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt, các cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ đã hy sinh cả máu xương, tính mạng của mình đảm bảo cho dòng thông tin được thông suốt. Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình.

Trong công cuộc đổi mới hôm nay, tiếp bước thế hệ cha anh đi trước, đội ngũ hơn 100 cán bộ, phóng viên, công nhân, viên chức toàn khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống của Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng có mặt và thông tin kịp thời ở những "điểm nóng", dù là trong thiên tai hay trong cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch, chống phá âm mưu diễn biến hoà bình...để hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, cổ vũ động viên kịp thời các ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo.

Với những cố gắng nỗ lực của nhiều thế hệ trong suốt 52 năm qua, Cơ quan đại diện TTXVN tại Đà Nẵng đã vinh dự được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua; Tổng Giám đốc TTXVN tặng 2 Cờ thi đua và Bằng khen; các cấp ủy Đảng và nhiều bộ, ngành ở Trung ương và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen.

Hơn 260 nhà báo, kỹ thuật viên của TTXVN đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ tại miền Trung- Tây Nguyên, gần 30 liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc mãi mãi nằm lại nơi đây...Đây là tổn thất lớn nhưng cũng là niềm tự hào, là truyền thống dũng cảm kiên cường của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, góp sức cùng toàn quân, toàn dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, đưa giang sơn thu về một mối.

Những đóng góp xứng đáng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ chính là nét son chói lọi tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của TTXVN - đơn vị đã 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Đồng chí Đỗ Phượng, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN đã nói: "Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ góp phần quan trọng làm nên lịch sử Thông tấn xã Giải phóng"./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục