Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phi bạo lực tại Việt Nam

Tư tưởng Phi bạo lực của Mahatma Gandhi đã góp phần gợi mở một hướng đi cho nhân loại cùng tồn tại trong hòa bình và phát triển.
Tối ngày 3/10, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã kết hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Phi bạo lực.
Phát biểu trong lễ kỷ niệm, ông Ranjit Rae, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, thông điệp “Phi bạo lực” có tầm ảnh hưởng lớn. Đó là thông điệp cốt lõi của nền văn minh Ấn Độ, được gọi là Ahimsa. Bằng sự bồi dưỡng và tôi luyện với Ahimsa, người cha của dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi đã chứng minh được sức mạnh của tư tưởng này một cách mạnh mẽ. Còn theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong thế giới đầy biến động và xu hướng bạo lực đang bùng phát hiện nay, tư tưởng vĩ đại của Gandhi đã góp phần gợi mở và rọi sáng một hướng đi cho nhân loại cùng tồn tại trong hòa bình và phát triển. “Gandhi đã tuyên bố rằng cuộc đấu tranh vĩ đại nhất của con người chính là vượt qua nỗi sợ hãi, độc ác, xấu xa của chính mình. Gandhi cũng tin rằng, cốt lõi của một tôn giáo trên thế giới này chính là chân lý và tình yêu thương,” ông Khánh nói. Đồng tình với tham luận của Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, ông Ratubatsi Super Moloi, Đại sứ Cộng hòa Nam Phi cho biết, triết lý của Gandhi về hòa bình, sự bao dung và phi bạo lực được nuôi dưỡng chính trong chế độ khốc liệt, đầy bạo lực của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi. Theo ông Ratubatsi Super Moloi, triết lý của Gandhi không chỉ ảnh hưởng đến bối cảnh chính trị ở Nam Phi mà còn định hướng cho các nhà chính trị ở Nam Phi, trong đó có cả Nelson Mandela. “Triết lý của Gandhi về hòa bình, lòng khoan dung và phi bạo lực là chìa khóa cho sự tồn tại của loài người trong thế kỷ 21, đặc biệt là khi chúng ta phải giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt,” ông Ratubatsi Super Moloi phát biểu. Nói về tầm ảnh hưởng của Mahatma Gandhi đối với Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Sơn, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao cho rằng, Mahatma Gandhi là một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Nhiều thế hệ Việt Nam từ trước đến nay đều hiểu rõ tư tưởng của Gandi và đánh giá cao. Chính tư tưởng này là nền tảng vững chắc cho cơ sở của việc phát triển mối quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng khẳng định, tư tưởng vì hòa bình của Gandhi rất trùng hợp với tư tưởng của Hồ Chí Minh và nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong đường lối đối ngoại của Việt Nam đó là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, phát triển thịnh vượng. Xen kẽ trong những bài tham luận này là các trích đoạn về cuộc đời Mahatma Gandhi do nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) biểu diễn./.
Mahatma Gandhi là một trong số những nhà lãnh đạo về chính trị và tinh thần tiêu biểu của thế kỷ 20. Với tư tưởng phi bạo lực của mình, ông đã góp phần giải phóng Ấn Độ khỏi ách đô hộ của thực dân Anh và được nhân dân Ấn Độ tôn vinh là người cha của dân tộc.

Năm 2007, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã công nhận ngày 02/10, sinh nhật Mahatma Gandhi là ngày Quốc tế Hòa bình-Phi bạo lực với mục đích quảng bá văn hóa của hòa bình, lòng vị tha, sự cảm thông, phi bạo lực thông qua giáo dục và nhận thức chung.
Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục