Kỳ vọng đại diện Brazil

Kỳ vọng đại diện Brazil sẽ vững tay chèo lái WTO

Việc WTO lần đầu tiên có Tổng giám đốc là người thuộc một nền kinh tế mới nổi sẽ củng cố niềm tin cho các nước đang phát triển.
Lần đầu tiên kể từ khi được thành lập, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có một nhà lãnh đạo từ Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) - đó là ông Roberto Carvalho de Azevedo, Đại sứ Brazil tại Tổ chức này từ năm 2008.

Sự thay đổi này cũng là một minh chứng nữa về vai trò của các nền kinh tế mới nổi trong hoạt động kinh tế toàn cầu. Diễn biến này đem lại nhiều kỳ vọng về những hoạt động hiệu quả mới của WTO, trong đó có vòng đàm phán Doha đang bị bế tắc.

Nâng cao vị thế

Việc WTO lần đầu tiên có Tổng giám đốc là người thuộc một nền kinh tế mới nổi sẽ mang lại sức mạnh mới và củng cố niềm tin cho các nước đang phát triển.

Khác với các nước phát triển, những quốc gia nghèo đang phát triển thường bị lép vế, không có khả năng và phương tiện để đưa các vụ khiếu kiện tranh chấp mậu dịch ra trước WTO. Là nước có lập trường bảo vệ các nước đang phát triển, Brazil được kỳ vọng sẽ luôn đứng về phía các nước đang phát triển, khích lệ các nước này vươn lên mạnh mẽ.

[WTO vừa chính thức bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới]

Báo chí Pháp đánh giá rằng chiến thắng của ông Azevedo là một “cuộc cánh mạng kép,” bởi nó dẫn đến hai sự thay đổi là làm tăng vị thế của khu vực Mỹ Latinh và làm cho tiếng nói của các nước mới nổi, nhất là các nước thuộc nhóm BRICS, có thêm trọng lượng trong các cuộc đàm phán quốc tế.

Đất nước Brazil mà ông Azevedo đại diện là một trong các nền kinh tế BRICS đầy sức mạnh, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, lập trường theo đuổi các chính sách bảo hộ mậu dịch của Brazil sẽ có ảnh hưởng bất lợi tới nỗ lực của ông Azevedo.

Khi được hỏi về vấn đề đó, ông Azevedo khẳng định người đứng đầu WTO phải làm việc độc lập và không thiên vị. Một khi được lựa chọn, Tổng giám đốc sẽ tuân thủ quy định của WTO và cố gắng thúc đẩy các nguyên tắc của tổ chức này, chứ không phải vì lợi ích cục bộ, theo chính sách của quốc gia.

Theo ông Azevedo, hệ thống thương mại đa phương là lợi ích chung của các nước. Ông nói: "Không phân biệt quy mô, bối cảnh địa chính trị hay trình độ phát triển, chúng ta cần hệ thống này vì nó sẽ cho phép thương mại diễn ra trên một sân chơi bình đẳng. Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008 xu hướng bảo hộ đã trỗi dậy và vẫn đang hiện diện. Chúng ta cần chống lại xu hướng đó."

Từ Brussels, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Karel De Gucht cho rằng WTO đang ở thời điểm có tính chất quyết định, và với khả năng của mình, ông Azevedo có thể giúp tất cả các nước thành viên WTO đưa chương trình nghị sự đa phương trở lại đúng quỹ đạo, với mục tiêu cuối cùng là kết thúc thành công Chương trình Nghị sự Phát triển Doha (DDA).

Quyền Đại diện Thương mại Mỹ Demetrios Marantis nhấn mạnh rằng Mỹ hy vọng tiếp tục hợp tác với vị tân Tổng Giám đốc này cũng như các nước thành viên khác để WTO tiếp tục là một tổ chức mạnh, đáng tin cậy và làm việc có hiệu quả trong những năm tới.

Bộ trưởng Thương mại Canada Ed Fast nêu rõ Canada sẽ dành cho tân Tổng Giám đốc WTO sự ủng hộ tối đa để chèo lái con thuyền WTO vượt qua thời khắc khó khăn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hết sức ảm đạm.

Các nước cần phải cùng nhau nỗ lực để tạo lập lại WTO như một thể chế đáng tin cậy, thúc đẩy nỗ lực tự do hóa thương mại đa phương, bảo đảm tốt nhất lợi ích của các nước thành viên.

Thúc đẩy Vòng đàm phán Doha

WTO ra đời năm 1995, tiền thân là Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) được thành lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Đặt trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ), WTO có nhiệm vụ tiến hành các cuộc thương lượng mở cửa thị trường thương mại và xóa bỏ các hàng rào thuế quan, thúc đẩy tự do trao đổi thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, các mức thuế quan và luật lệ được coi là thái quá và tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới. Mặt khác, WTO còn giúp các nước thành viên giải quyết các vụ kiện tụng thương mại, hỗ trợ xuất-nhập khẩu cũng như hoạt động của các nhà sản xuất.

Tham vọng lớn nhất của WTO là hoàn tất Vòng đàm phán Doha được phát động năm 2001 tại Uruguay nhằm tạo cơ hội phát triển cho các quốc gia nghèo hơn. Trải qua nhiều vòng thương lượng đầy kịch tính, nhưng do mâu thuẫn trong quan điểm giữa các nước phát triển phương Tây và các nước đang phát triển nên 12 năm đã trôi qua, những rào cản thuế quan và buôn bán nông sản đã đẩy Vòng đàm phán Doha vào ngõ cụt.

Các nước giàu muốn chấm dứt những ưu đãi dành cho một số nước mà họ cho là đã không còn nghèo nữa, trong khi các nước mới nổi cho rằng sự phát triển của họ còn chưa đủ và muốn tiếp tục được hỗ trợ.

Các nước nghèo còn cáo buộc các nước giàu trợ cấp hậu hĩnh cho nông dân trong nước, cản trở các nước nghèo tiếp cận thị trường của họ. Hậu quả là các nước thành viên WTO tích cực nhất theo đuổi các thỏa thuận thương mại độc lập với cơ chế WTO để điều hành thương mại trong thế kỷ 21.

Thách thức lớn nhất mà tân lãnh đạo WTO phải vượt qua là dung hòa được hai quan niệm về tự do trao đổi mậu dịch. Một trong những hiệp định song phương quan trọng nhất là Thỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch (FTA) Mỹ-EU, sẽ được thực thi trong vòng hai năm tới. Kinh tế Mỹ và châu Âu chiếm tới 1/2 tổng giá trị kinh tế thế giới và 1/3 trao đổi thương mại toàn cầu.

Theo một số đánh giá, tới năm 2027 FTA Mỹ-EU sẽ giúp kinh tế châu Âu tăng thêm 0,5% và GDP của Mỹ có thêm 0,4%. châu Á đang tập trung vào phát triển khu vực thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hai sáng kiến đa phương quan trọng thu hút châu Á hơn là diễn đàn WTO.

Việc gia tăng các thoả thuận tự do mậu dịch song phương hay khu vực không chỉ đe dọa tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của các nước đang phát triển mà còn làm vị thế của WTO bị giảm sút.

Do vậy khởi động trở lại các cuộc đàm phán Doha là một trong những nhiệm vụ khó khăn và cấp bách nhất đối với ông Azevedo trong bối cảnh WTO chủ trương phát triển quan hệ thương mại, đầu tư đa phương.

Bản thân ông Azevedo khẳng định WTO đang ở trong "giai đoạn rất quan trọng" và các thành viên WTO phải mở rộng chương trình nghị sự thương mại cũng như đảm bảo cho WTO luôn là một tổ chức tiên tiến.

Trong một cuộc họp báo tại Geneva, ông Azevedo cho rằng có nhiều lĩnh vực về thương mại và nhiều vấn đề cần phải được đưa ra thảo luận và đánh giá. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đang xa rời những nguyên tắc về cập nhật, xóa khoảng cách giữa những vai trò của WTO và thế giới thực - nơi diễn ra các hoạt động thương mại. Ông Azevedo cảnh báo: "Chúng ta sắp đánh mất một hệ thống thương mại đa phương rất có giá trị."

Thử thách trước mắt mà tân Tổng giám đốc WTO phải đối mặt là điều hành hiệu quả các cuộc thảo luận liên quan đến tự do hóa thương mại quốc tế tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ chín dự kiến diễn ra đầu tháng 12 tại Bali, Indonesia.

Thời gian qua, nhiều nước đã lo ngại rằng Hội nghị Bali sắp tới sẽ lại đi theo "vết xe đổ" của các Hội nghị trước đó bởi hai nhóm nước giàu và nghèo vẫn "giữ vững " lập trường trong đàm phán.

Tuy nhiên, ông Karel De Gucht cam kết EU dành sự ủng hộ tối đa cho tân Tổng Giám đốc WTO, với mục tiêu tổ chức thành công Hội nghị Bali để khẳng định vai trò then chốt của WTO trong hệ thống thương mại đa phương./.

Hoàng Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục