Lâm Đồng: Bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND đối với hai nguyên lãnh đạo tỉnh

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận bị bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 do đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Nguyễn Khắc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông qua dự thảo Nghị quyết miễn nhiệm. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)
Ông Nguyễn Khắc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông qua dự thảo Nghị quyết miễn nhiệm. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Ngày 19/4, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa X đã tổ chức Kỳ họp thứ 14 để thực hiện công tác nhân sự và thông qua các nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân khóa X, bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 đối với Trần Đức Quận, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân khóa X, bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với Trần Văn Hiệp.

Lý do là hai ông này đã vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, làm rõ các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và nhận hối lộ vào tháng 1/2024.

Các đại biểu đã biểu quyết thông qua 12 tờ trình dự thảo các nghị quyết quan trọng như: cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1); điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương…

Một số nội dung cụ thể cũng được các đại biểu thông qua trong Kỳ họp như: Nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án thành phần 2 là tuyến đường từ xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đến Ngã tư Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng); Đề án công nhận thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là đô thị loại IV; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Lâm Đồng.

Ông K’Mák, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đánh giá trong quý 1/2024, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, địa phương vẫn còn một số hạn chế như: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp; sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn nhiều khó khăn, công nghiệp-xây dựng giảm; lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tăng trưởng chậm; doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký; doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng.

Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 9,1% kế hoạch); tiến độ triển khai các công trình, dự án còn chậm; thu ngân sách chưa đạt yêu cầu. Công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển biến chậm… Điều này đòi hỏi các cấp, ngành cần sớm đề ra những giải pháp khắc phục và quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo, thực thi nhiệm vụ thời gian tới.

ttxvn_HDND lam dong 2.jpg
Các đại biểu biểu quyết về việc miễn nhiệm 2 lãnh đạo Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh với tỷ lệ 100%. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh nhấn mạnh sau Kỳ họp này, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ hoàn thiện các thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Tháng 1/2024, Trần Đức Quận - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng - và Trần Văn Hiệp - nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng - bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, làm rõ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ và hành vi nhận hối lộ.

Từ đó đến nay, Lâm Đồng chưa có người đảm nhận hai chức vụ quan trọng là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Điều này gây khó khăn lớn cho tỉnh trong việc điều hành, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục