Lâm Đồng thí điểm mô hình tổ phòng cháy, chữa cháy “tại gia”

Mô hình Tổ Liên gia an toàn Phòng cháy, chữa cháy được thành lập từ 5-15 gia đình liền kề nhau tại mỗi khu dân cư. Trong đó, từng hộ sẽ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy cầm tay, dụng cụ phá vỡ cửa.
Lâm Đồng thí điểm mô hình tổ phòng cháy, chữa cháy “tại gia” ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn:TTXVN)

Ngày 16/8, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các địa phương tổ chức bàn giao, đưa vào hoạt động thí điểm mô hình Tổ Liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và Điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn 12 huyện, thành phố trong tỉnh.

Mô hình Tổ Liên gia an toàn Phòng cháy, chữa cháy được thành lập từ 5-15 gia đình liền kề nhau tại mỗi khu dân cư. Trong đó, từng hộ sẽ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy cầm tay, dụng cụ phá vỡ cửa và lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1 liên kết với các hộ trong tổ. Khi có sự cố cháy nổ, hộ dân ấn chuông báo cháy để cảnh báo cho các gia đình khác trong tổ và cùng nhau chủ động sử dụng các phương tiện chữa cháy tại gia đình mình để chữa cháy, cứu người bị nạn. 

Trước mắt, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ xây dựng thí điểm từ 1 đến 2 mô hình Tổ liên gia an toàn Phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Trong các khu liên gia sẽ thành lập 1 Tổ Phòng cháy, chữa cháy cơ động. Các tổ này được hướng dẫn, trang bị kiến thức, tập huấn những kỹ năng cơ bản trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

[Liên tiếp xảy ra các vụ cháy, đâu là chiến lược chống 'giặc lửa'?]

Ngoài ra, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng triển khai mô hình Điểm chữa cháy công cộng tại khu dân cư có ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà, xe chữa cháy khó tiếp cận. Mỗi điểm chữa cháy công cộng được trang bị bình chữa cháy di động và nhiều thiết bị chuyên dụng. Khi phát hiện hỏa hoạn, người dân có thể sử dụng để chữa cháy, bảo vệ tính mạng và tài sản trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến hiện trường. Mỗi huyện, thành phố trong tỉnh sẽ có từ 3-5 mô hình này để vận hành thí điểm, sau đó sẽ đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Lâm Đồng, các mô hình này nhằm phát huy tính chủ động, tương trợ lẫn nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, với mục tiêu “từng nhà an toàn-từng khu phố an toàn-từng xã, phường an toàn”, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ cho người dân trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục