Làm gì để ngành cơ khí Việt Nam tận dụng cơ hội từ EVFTA?

Các ngành chức năng có thể hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, vốn đầu tư, các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trang thiết bị tiên tiến, làm ra các sản phẩm chất lượng cao.
Làm gì để ngành cơ khí Việt Nam tận dụng cơ hội từ EVFTA? ảnh 1Các công ty trình diễn thiết bị, máy móc tự động hóa tại MTA Vietnam 2019. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Xã Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội là nơi có hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cơ khí, ngày đêm ồn ào tiếng máy đột dập sản xuất.

Thanh Thùy có thể coi là một trong những địa chỉ cung cấp nguồn hàng lớn sản phẩm cơ khí cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận... Thế nhưng, khi được hỏi về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), số lượng doanh nghiệp được nghe nói đến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là thực trạng đáng buồn cho các doanh nghiệp cơ khí nhỏ và vừa Việt Nam.

Là một trong số ít các doanh nghiệp mạnh tại làng nghề cơ khí Thanh Thùy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí SKD Việt Nam đã có nhiều năm làm việc và hợp tác với các đối tác nước ngoài, như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... Công ty này cũng đã chủ động tìm hiểu về các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, các công nghệ, máy móc hiện đại cũng như các hàng rào kỹ thuật để tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu. Thế nhưng, với EVFTA, Công ty SKD Việt Nam cũng chưa nắm rõ có thể tận dụng được gì từ Hiệp định này.

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD cho biết: “Chúng tôi nghe nói nhiều về Hiệp định này, nhưng những ưu đãi, tiêu chuẩn cụ thể, hay các hàng rào kỹ thuật như thế nào thì chỉ nắm sơ bộ. Doanh nghiệp cũng không biết phải chuẩn bị ra sao để có thể đón đầu. Chỉ biết học hỏi các công nghệ, tìm hiểu cách quản lý để hoạt động hiệu quả hơn."

Còn ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết trong Hiệp hội, chỉ một số doanh nghiệp quan tâm tới Hiệp định này và có sự chuẩn bị để nắm bắt cơ hội.

Lý giải thực tế này, ông Long cho rằng, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp cơ khí đi lên từ các hộ gia đình, nên quy mô sản xuất còn nhỏ, nguồn vốn, công nghệ và quản lý còn yếu. Họ sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp nhỏ khác trong nước. Do vậy, dù có biết về Hiệp định nhưng để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng khó.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, không phải bây giờ Bộ Công Thương và các bộ, ngành mới bắt tay vào việc tuyên truyền về Hiệp định này. Các thông tin về thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được Bộ Công Thương công bố từ cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Với sự trợ giúp của Dự án MUTRAP do EU tài trợ, rất nhiều tài liệu giải thích cam kết được xuất bản, như cẩm nang hướng dẫn về Hiệp định EVFTA xuất bản tháng 6/2016; EVFTA - sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam, xuất bản tháng 9/2016 và nhiều tài liệu khác.

"Nhảy tango, không thể chỉ có một người nhảy mà phải có cặp đôi. Tương tự với việc tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng, không thể chỉ có một mình sự cố gắng từ phía các cơ quan Nhà nước trong đàm phán mà cần cả sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thông tin, nắm bắt các quy định để tận dụng tối đa từ Hiệp định mang lại," Thứ trưởng ví von.

[EVFTA mở ra cơ hội lớn trong thu hút vốn ngoại vào Việt Nam]

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới trên 60% doanh nghiệp tư nhân không biết về Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA có tới 80% doanh nghiệp không biết. Điều đó có nghĩa là thông tin cơ bản về các Hiệp định, doanh nghiệp cũng chưa hiểu và nắm được, chứ chưa nói cần hiểu đúng để tận dụng hiệu quả.

"Vì vậy, câu chuyện ở đây đòi hỏi sự chủ động của chính các doanh nghiệp," ông Lộc nói và cho rằng, Hiệp định này đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn nên doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp cơ khí nói riêng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, công nghệ của chính mình để tiếp cận được các nhà đầu tư, đối tác EU.

Ngành cơ khí trong nhiều năm, dù không có những tên tuổi, sản phẩm vượt trội mang tầm cỡ thế giới, hay những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, thế nhưng nhiều sản phẩm cơ khí trước đây phải nhập khẩu, đến nay từng bước đã được thay thế. Dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã đồng bộ, các doanh nghiệp cơ khí làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo ông Đào Phan Long, để ngành cơ khí nội địa có thể bắt kịp với hội nhập, làn sóng đầu tư và cạnh tranh mạnh mẽ cũng cần có động lực thúc đẩy. Trước mắt, các ngành chức năng có thể hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, vốn đầu tư, các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trang thiết bị tiên tiến, làm ra các sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các ngành chức năng cũng cần tạo ra thị trường cho ngành ở những lĩnh vực ưu tiên như ôtô, đóng tàu, chế biến thiết bị phục vụ nông lâm nghiệp...; tạo ra những doanh nghiệp đầu tàu lớn mạnh, từ đó kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh trong nước.

Một yếu tố quan trọng khác được ông Long nêu ra là vấn đề nhân lực. Nhiều năm qua, cơ khí Việt Nam dậm chân tại chỗ nên chưa thu hút được nhân tài trong lĩnh vực này.

“Các doanh nghiệp châu Âu có hàm lượng công nghệ rất cao trong các sản phẩm cơ khí, chế tạo. Vì thế, đây sẽ là khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận, hợp tác với họ. Hiệp định EVFTA mới ở trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp cơ khí Việt vẫn có thể tận dụng được các cơ hội mà Hiệp định này mang lại, nếu chúng ta biết chung sức từ phía doanh nghiệp và cơ quan nhà nước," ông Long nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục