Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, trong đó có việc ban hành nghị quyết liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 15/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà nêu rõ, sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khoa học và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm đúng quy định với việc thông qua 6 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với một số dự án luật khác.

Quốc hội cũng giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 3 Bộ trưởng, gồm: Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn đều có tính thời sự, được cử tri, nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 và đây cũng là cơ sở để Quốc hội giám sát lại và lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,” trong đó yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, qua đó, nâng cao tối đa hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đất nước để phát triển nhanh và bền vững.

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội và đại diện một số cơ quan của Quốc hội đã trả lời các vấn đề mà phóng viên báo chí quan tâm.

[Kỳ họp Quốc hội ghi nhận hoạt động chất vấn hiệu quả, đúng và trúng]

Liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, dự án Luật dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về các nội dung trong dự thảo Luật, đặc biệt là về chính sách tài chính, cơ chế tài chính cho bệnh viện, trong đó có cả vấn đề tự chủ bệnh viện. Cho rằng đây là những nội dung rất mới, Ủy ban Xã hội đã báo cáo Quốc hội cần thời gian để làm rõ, xin trình lại và thảo luận ở kỳ họp sau.

Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí ảnh 1Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự buổi họp báo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đối với vấn đề tự chủ bệnh viện, ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết, hiện nay có 2 bệnh viện lớn “xung phong” tự chủ toàn phần nhưng sau đó xin dừng lại. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của dịch COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu tài chính của các bệnh viện. Song lý do khác quan trọng hơn là những vướng mắc về cơ chế liên quan khi thực hiện tự chủ.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, việc tự chủ bệnh viện đang chịu ảnh hưởng của các luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giá, Luật Đấu thầu... Trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ cố gắng tối đa để thảo luận, thống nhất những quy định nào cần điều chỉnh trong các luật liên quan để tạo điều kiện cho các bệnh viện tự chủ.

Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa được Quốc hội khóa XV thông qua có giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát việc xử lý 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết, danh mục các dự án nêu trên được hình thành sau cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và thể hiện trong 4 phụ lục kèm theo Nghị quyết.

Quá trình giám sát tối cao, do tính chất, phạm vi rộng, thời gian dài nên báo cáo chỉ nêu các hạn chế, tồn tại nhưng chưa có điều kiện đi sâu làm rõ cụ thể tính chất, mức độ, trách nhiệm cụ thể. Do vậy, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát, các cuộc hậu giám sát tiếp tục được triển khai để xử lý căn bản những vấn đề giám sát tối cao chỉ ra.

Theo tinh thần đó, Nghị quyết của Quốc hội xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tới đây cần tập trung thực hiện, trong đó có siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường giám sát các nội dung liên quan trong kế hoạch giám sát hàng năm, lồng ghép các hoạt động giám sát chuyên sâu để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát việc xử lý hàng loạt dự án, cụm dự án, công trình không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí, để hoang hóa đất đai.

Quốc hội cũng giao Chính phủ trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; báo cáo rõ kết quả rà soát phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục