Chiều 18/12, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Những vấn đề lý luận về bài học 'dân là gốc,' 'dân là trung tâm" và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới."
Chủ trì và phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đánh giá cao, ghi nhận các tham luận, ý kiến phát biểu, đóng góp, trong đó tập trung đánh giá, làm sáng rõ những giá trị, tư tưởng của bài học “dân là gốc," “dân là trung tâm” và hệ thống các quan điểm của Đảng ta về xây dựng, phát huy sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc qua các thời kỳ cách mạng.
Đặc biệt, qua gần 40 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với việc vận dụng có hiệu quả bài học “dân là gốc," “dân là trung tâm," phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, các ý kiến đã chia sẻ mô hình dân vận tiêu biểu, phân tích kỹ lưỡng bài học kinh nghiệm; đề xuất các giải pháp căn cơ để phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân, đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng, quan điểm của Đảng ta... trong tình hình mới.
Tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến tâm huyết tại Hội thảo, Ban Dân vận Trung ương sẽ hoàn thiện, nghiên cứu để tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải quyết vấn đề lý luận về bài học “dân là gốc," “dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”; triển khai phù hợp với tinh thần thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Trước đó, đề dẫn Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Tất Thắng khẳng định trọng dân, lấy dân là gốc là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, được Đảng ta kế thừa và phát huy; là tiền đề để Đảng ta khẳng định vai trò, vị trí của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân," “trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”; “gốc có vững cây mới bền/xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”…
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn xác định “dân là gốc” là điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, việc vận dụng bài học “dân là gốc," “dân là trung tâm," phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được đổi mới để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, nhất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đã được cụ thể hóa với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước nhiều thuận lợi xen lẫn khó khăn, thách thức, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh cần đổi mới, vận dụng có hiệu quả bài học “dân là gốc," “dân là trung tâm," phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác dân vận góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ giá trị tư tưởng, lý luận của bài học “dân là gốc," “dân là trung tâm” và quan điểm của Đảng ta về phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Một số ý kiến hệ thống hóa, bổ sung những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm trong vận dụng có hiệu quả bài học này trong công cuộc đổi mới đất nước; làm rõ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, cũng như quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng đó là phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, ý chí tự lực tự cường trong việc phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nhận diện những nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng bài học trong thực tế; những vấn đề lý luận mới và kinh nghiệm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong công cuộc đổi mới đất nước…/.