Làm việc tại nước ngoài - cơ hội đổi đời cho nhiều lao động Việt Nam

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một trong những kênh giải quyết việc làm quan trọng và hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Lao động Việt Nam làm việc tại nhà dưỡng lão Nhật Bản. (Ảnh: Lê Hiền/Vietnam+)
Lao động Việt Nam làm việc tại nhà dưỡng lão Nhật Bản. (Ảnh: Lê Hiền/Vietnam+)

Hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài của chính phủ, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động này diễn ra thuận lợi và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, việc bảo hộ lao động Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang khiến các thị trường lao động ngoài nước tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn bao giờ hết.

Với mục tiêu ra nước ngoài làm việc để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng công nghệ và kinh tế Hà Nội, đầu năm 2019, Phan Bảo Quốc (Bình Lục, Hà Nam) trúng tuyển sang làm việc tại Daewoo Solution - công ty chuyên sản xuất cửa lưới chống côn trùng của Hàn Quốc.

“Sau khi sang Hàn Quốc vài tháng, em đã có thể trả hết chi phí, ngoài ra mỗi tháng em còn gửi thêm tiền về giúp đỡ gia đình. Công ty không có việc tăng ca, em chỉ nhận lương cơ bản, nhưng bù lại công việc không nguy hiểm và rất thoải mái,” Quốc chia sẻ.

Làm việc tại nước ngoài - cơ hội đổi đời cho nhiều lao động Việt Nam ảnh 1Phan Bảo Quốc (phải) cùng đồng nghiệp nước ngoài tại Công ty. (Ảnh: Lê Hiền/Vietnam+)

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những kênh giải quyết việc làm quan trọng và hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 5 năm gần đây (2014-2019), số lượng người lao động Việt Nam ở nước ngoài tăng đều hàng năm, mỗi năm tăng khoảng 10.000 người.

Ngoài vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể, khoảng 1.500 USD tại Nhật Bản và 1.800 USD ở Hàn Quốc.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có nhiều đóng góp mang ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế Việt Nam thông qua lượng kiều hối gửi về nước.

Theo ước tính của Chính phủ, mỗi năm lượng kiều hối mà người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gửi về là khoảng 3 tỷ USD.

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đại bộ phận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tập trung chủ yếu tại 3 thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) với việc làm phù hợp và ổn định, thu nhập tốt.

Nhiều lao động với kinh nghiệm, tay nghề và khả năng ngoại ngữ tích lũy trong thời gian làm việc ở nước ngoài, sau khi trở về nước đã tìm được những công việc với mức thu nhập cao.

Chú trọng đưa người lao động có trình độ của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Trong những năm qua, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí cũng luôn quan tâm hợp tác, cung cấp các thông tin hỗ trợ mở rộng thị trường và quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài qua đó nâng cao được nhận thức của xã hội và người lao động.

Cùng với đó, đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ngày càng tăng cả về lượng và chất, đóng góp rất lớn và quan trọng vào kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nói trên.

[Tăng cường dự báo thị trường lao động, kết nối cung-cầu nguồn nhân lực]

Nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản cho công tác chuẩn bị nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

Là một trong các công ty xuất khẩu lao động đầu tiên được cấp phép triển khai thí điểm đào tạo và cung ứng lao động VN đi làm việc tại Nhật theo chương trình thực tập sinh ngành Hộ lý.

Sau 10 năm hoạt động, công ty cổ phần phát triển dịch vụ C.E.O đã đưa được gần 6 nghìn người lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo hợp đồng với các điều kiện việc làm, chế độ thu nhập tốt, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định, chế độ của chương trình thực tập sinh kỹ năng được ký kết giữa hai Chính Phủ Việt Nam và Nhật Bản.

Dịch COVID-19 và công tác bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài

Theo kế hoạch, dự kiến năm 2020 sẽ có 130.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, trong đó có các địa bàn truyền thống tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Do tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp tiếp nhận lao động nước ngoài phải điều chỉnh quy mô hoạt động, cắt giảm số lượng lao động đang làm việc cũng như giảm hoặc hủy bỏ nhu cầu tiếp nhận lao động mới từ nước ngoài. 

Chính vì vậy, tính đến ngày 20/9/2020, cả nước mới có gần 43 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, số lượng này tập trung chủ yếu vào 3 tháng đầu năm, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát.

Ông Tống Hải Nam chia sẻ, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 2/2020 tại một số nước và khu vực, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có hướng dẫn người lao động đang làm việc ở nước ngoài cách phòng chống lây nhiễm COVID-19, tuân thủ các quy định và hướng dẫn của người sử dụng lao động, chính quyền sở tại trong việc phòng chống dịch bệnh.

Cùng với đó, tổ chức và thiết lập các kênh thông tin, đầu mối liên lạc của người lao động ở từng địa bàn, từng khu vực để thường xuyên trao đổi, nắm bắt, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của người lao động, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, Cục chịu trách nhiệm trao đổi với các cơ quan liên quan, đối tác nước ngoài, người sử dụng lao động để đảm bảo quyền và lợi ích cơ bản của người lao động về tiền lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động theo hợp đồng đã ký trong trường hợp giảm, giãn giờ làm, nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để trao đổi với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan đề xuất Chính phủ tổ chức các chuyến bay “giải cứu” đưa người lao động về nước.

Tính đến đầu tháng Chín, hơn 3.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đã được đưa về nước.

Mặc dù hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các công ty xuất khẩu lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại là chưa thể tính hết nhưng thời điểm này việc bảo đảm an toàn cho người lao động đang làm việc tại nước ngoài là vấn đề mà các công ty này tập trung chú trọng hàng đầu.

Đáng chú ý C.E.O là công ty phái cử duy nhất ngay từ ngày đầu mùa dịch Covid 19 đã tự sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn sử dụng nhiều lần và mua khẩu trang y tế sử dụng một lần gửi hơn 40.000 khẩu trang sang cho toàn bộ hơn 3.000 lao động của Công ty đang làm việc tại khắp các vùng miền, tỉnh thành phố của Nhật Bản cũng như cộng đồng du học sinh, người lao động Việt Nam khu vực Osaka.

Cùng với đó, hệ thống cán bộ đại diện cùa Công ty có mặt tại toàn bộ các vùng, tỉnh, thành phố lớn của Nhật Bản đã làm việc với các Xí nghiệp, Nghiệp đoàn để hỗ trợ người lao động bị tạm dừng, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch được hưởng trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản kịp thời, ông Đoàn Văn Minh, giám đốc công ty cho biết thêm.

Chủ trương tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đi làm việc ở nước ngoài là quan trọng và cần thiết trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam dồi dào, khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước còn hạn chế, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động còn thấp.

Chủ trương trên đã được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Quốc hội, trong Bộ Luật lao động, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Nhà nước ở Trung ương và địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục