Lan tỏa tinh thần Phật giáo: Nhìn nhận những triết lý về quyền con người

Trong hơn 2.500 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo đã truyền tải nhiều thông điệp về quyền con người, chứa đựng những nội dung phù hợp với vấn đề bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ngày nay.

Các đại biểu tham dự Đại lễ Phật đản tại Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Các đại biểu tham dự Đại lễ Phật đản tại Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Khái niệm nhân quyền được đang xã hội hiện đại rất quan tâm. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (1948) khẳng định: “Tất cả con người được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi.”

Quan điểm này cũng được đề cập đến trong triết lý Phật giáo. Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã nói điều có ý nghĩa tương tự: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính;” “Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn, tất cả chúng ta đều là con người”…

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, cũng là tôn giáo có sức ảnh hưởng ở Việt Nam với số lượng tín đồ đông đảo. Theo các chuyên gia nghiên cứu, việc lan tỏa triết lý Phật giáo cũng thể hiện tinh thần tôn trọng quyền con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đề cao tự do của các cá nhân

Tinh thần chủ đạo của Phật giáo là hướng đến hòa bình, đề cao lối sống tỉnh thức, tràn đầy tình thương và lòng nhân đạo, dựa trên triết lý thâm sâu về một nền tảng đạo đức căn bản thuần khiết của con người. Những đặc điểm đó khiến cho Phật giáo trở nên đặc biệt gần gũi và có thể trở thành một nguồn lực sâu rộng và mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Chu Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cho rằng Phật giáo chứa đựng nhiều tư tưởng về quyền con người như quyền được sống, quyền bình đẳng, quyền bình đẳng giới (hay quyền của phụ nữ), quyền tự do...

Có thể nói, toàn bộ giáo lý Phật giáo toát lên tư tưởng, tinh thần tôn trọng con người, tôn trọng phẩm giá con người, tinh thần bình đẳng, không phân biệt, tinh thần yêu thương con người, yêu thương muôn loài.

Về quyền lao động, Đức Phật từng nói rằng không làm thì không có ăn. Về quyền học tập thì Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Mỗi người hãy tự đốt đuốc mà đi.” Phật cũng nói về sự bình đẳng giữa Phật và mọi chúng sinh, rằng “Mọi chúng sinh đều có Phật tính.”

vna_potal_can_tho_dai_le_phat_dan_phat_lich_2568_tai_thien_vien_truc_lam_phuong_nam_7389260.jpg
Nghi thức tắm Phật thể hiện sự tôn kính của Phật tử. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

“Quan điểm về quyền con người của Phật giáo có những nét đặc thù, riêng có. Đối với quyền sống, Phật giáo không chỉ tôn trọng quyền sống của con người, mà còn tôn trọng quyền sống của muôn loài. Đối với quyền bình đẳng. Phật giáo không chỉ đề cập đến quyền bình đẳng về giai cấp, tầng lớp, địa vị... mà còn đề cập đến quyền bình đẳng về cơ hội, bình đẳng trong tín ngưỡng, tôn giáo và biểu đạt niềm tin. Đối với quyền tự do, Phật giáo đề cao tự do của các cá nhân trong việc lựa chọn, quyết định hành động của mình,” ông Tuấn khẳng định.

Cùng quan điểm đó, Tiến sỹ Phạm Thanh Hằng, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng khẳng định Phật giáo đang có đóng góp to lớn trong việc bảo đảm và thực thi nhân quyền trên thế giới và ở Việt Nam.

Chẳng hạn, Phật giáo luôn tôn trọng sự sống của muôn loài. Trong “Ngũ giới cấm” của Phật giáo, giới đầu tiên là “giới sát” tức là không được giết hại sinh mệnh. Kinh Pháp Cú có câu: “Ai ai cũng sợ gươm đao, ai ai cũng sợ sự chết; vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết.”

“Phật giáo quan niệm, sự sống của muôn loài đều quý giá như nhau. Nếu như chúng ta coi trọng sinh mệnh của mình thì tại sao lại muốn chà đạp lên sinh mệnh của người khác hay loài khác,” bà Hằng phân tích.

phatdan2.jpg
Thượng tọa Thích Minh Quang chủ trì Đại lễ Phật đản tại Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chùa Quán Sứ ngày 22/5. Phật đản được xem là dịp hoằng dương triết lý Phật giáo trong xã hội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trên thực tế, mặc dù trong giáo thuyết của Phật giáo không bàn luận trực tiếp đến các khái niệm “nhân quyền” hay “quyền tự do” với nội hàm ý nghĩa hiện đại như ngày nay nhưng trong đó chứa đựng nhiều nội dung tương thích, phù hợp với vấn đề bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong xã hội mới.

“Khai thác những nội dung sâu xa trong Phật giáo giúp chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn những giá trị phổ quát của vấn đề nhân quyền gắn với lương tâm, phẩm giá của con người, mặt khác cũng thấy rõ được nét độc đáo trong cách tiếp cận của Phật giáo đối với vấn đề nhân quyền,” bà Hằng nói.

Ứng dụng triết lý Phật giáo vào đời sống

Trên cơ sở đó, việc lý giải đúng và thực hành theo Phật pháp cũng là một con đường, một cách thức để thực hiện quyền con người theo tinh thần dân chủ hiện đại trong xã hội ngày nay.

Theo Tiến sỹ Cao Đại Đoàn (Thích Nguyên Chính), Phó Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc hiểu và tuân thủ lời Phật dạy cũng sẽ giúp ngăn ngừa, giảm đi việc xâm phạm quyền lợi ích, đề cao quá mức, phân biệt đối xử, tinh thần cơ bản đó là: Mọi việc đều làm vì sự an lạc, hạnh phúc chung của loài người, không kỳ thị quốc gia, tôn giáo, sắc tộc... khi đó mới hóa giải được tình trạng, nguy cơ bất an đối với sự đa dạng, đoàn kết và hạnh phúc cho cộng đồng các dân tộc trên toàn thế giới.

Đại đức Thích Nguyên Chính cho rằng cuộc sống của nhân loại đang đối diện với nhiều mối thách thức khi cục diện đang có những thay đổi nhất định, việc dành vị thế vai trò nước lớn, khẳng định vị thế địa chính trị, những cuộc nội chiến, xung đột, khủng hoảng gần đây cũng đang vẫn tiếp tục gây ra những mối đe dọa cho cuộc sống nhân sinh.

“Những vấn nạn này có thể được xoa dịu khi chúng ta giác ngộ và chuyển hóa được các nội dung trong giáo lý Phật giáo vào đời sống tinh thần của con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ,” Đại đức Thích Nguyên Chính nói.

thichnguyenchinh.jpeg
Đại đức Thích Nguyên Chính, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Đăng Huy)

Đóng góp một số giải pháp cụ thể trong công tác đấu tranh chống lợi dụng nhân quyền và tự do tôn giáo hiện nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nghiên cứu sinh Đinh Lê Hạnh, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tích cực, chủ động tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và Phật tử trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đẩy mạnh công tác đối ngoại về tôn giáo và đấu tranh nhân quyền, chủ động tham gia các diễn đàn về tôn giáo quốc tế và khu vực; chủ động cung cấp thông tin về tình hình, chính sách tôn giáo, thành tựu đạt được trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại; đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo của Nhà nước Việt Nam./.

Nhân quyền là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, khu vực gắn với những giá trị chung, mục tiêu chung mà cả nhân loại đang hướng tới trong thế kỷ mới.

Việt Nam đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028 và nhận được niềm tin, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Nếu trúng cử, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới, là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục