Làng An Động - vùng đất tứ linh đầy ắp những huyền tích

Các núi nhỏ nằm sát làng An Động như núi Đất, núi Đống Tranh, núi Hương Vân… từng là nơi dừng chân của các danh tướng từ thời Hùng Vương đến triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn về đây lập đồn binh đánh giặc.
Làng An Động - vùng đất tứ linh đầy ắp những huyền tích ảnh 1Lối vào chùa An Động.(Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

Làng An Động có tên nôm là Quan Đồng thuộc tổng Nội Viên, nay thuộc xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), nằm ngay dưới chân núi Dạm, là vùng đất “tứ linh” đầy ắp những huyền tích, truyền thuyết kể về các sự kiện lịch sử văn hóa trọng đại của đất nước.

Theo thư tịch cổ và truyền thuyết dân gian, các núi nhỏ nằm sát làng An Động như núi Đất, núi Đống Tranh, núi Hương Vân… từng là nơi dừng chân của các danh tướng từ thời Hùng Vương đến các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn về đây lập đồn binh đánh giặc hoặc lánh nạn.

Thôn Hộ Vệ là quê hương của hai danh tướng Huy Thông và Huy Đô (có công đánh giặc Ân vào thời Hùng Vương thứ 6). Thôn Xuân Hội xưa có tên là Hoa Cối, là nơi vua Lý Thái Tông lập đồn binh đánh giặc Chiêm Thành. Thôn Nội Viên là nơi Lý Thường Kiệt lập đồn binh đánh giặc Tống và cũng là nơi các danh tướng nhà Trần lập đồn binh đánh giặc Nguyên-Mông.

Tự hào là nơi từng có ngôi đình khang trang thuộc một trong 500 ngôi đình to đẹp nhất miền Bắc với kiến trúc đặc trưng và mang nhiều dấu ấn, sự kiện trọng đại của đất nước. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, làng An Động ngày nay vẫn giữ được nét truyền thống và những di tích cổ kính. Các xóm ngõ cổ như xóm Trong, xóm Trên, xóm Lẻ, ao Làng, đồng Tắt, cầu Nghệ… vẫn còn với nghề nông đã đi vào câu ca “Tiền Chè Dọc, thóc Quan Đồng." Các quần thể di tích, nơi tôn nghiêm, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng quê An Động được nhiều thế hệ gìn giữ và phát huy.

Điểm nổi bật nhất của làng là chùa An Động. Ngôi chùa gắn liền với bề dày lịch sử, văn hóa của làng xã nơi đây. Truyền rằng, chùa rất linh thiêng, xưa kia đã là nơi lánh nạn của vua Lê Chiêu Thống, vì thế mà khi thoát nạn, nhà vua đã đổi tên là An Động.

Chùa là nơi thờ Phật, thờ mẫu và các vị tổ sư. Đây là trung tâm thờ Phật của nhân dân hướng con người đến những điều tốt đẹp, khuyến đến điều thiện, rời xa cái ác. Hầu hết các pho tượng ở đây đều được chạm khắc công phu, tài nghệ với khuôn mặt đẹp phúc hậu, chạm nổi rõ ràng từng chi tiết, nếp gấp, đường cong, thể hiện sự tài nghệ của người thợ chạm khắc thưở xưa.

[Chùa Trấn Quốc: Ngôi chùa hơn 1.500 tuổi cổ kính nhất Hà Nội]

Thời Lê Trung Hưng, ngôi chùa được tôn tạo và mở rộng với quy mô to lớn gồm các tòa Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, gác chuông, vườn tháp và các công trình phụ trợ khác. Chạm khắc trang trí lộng lẫy và có giá trị quan trọng về văn hóa tâm linh. Chùa còn nổi tiếng bởi có tiếng chuông đồng với câu ca “Chuông Quan Đồng, trống Hán Đà, tù và Hán Quảng." Ngôi chùa thu hút nhiều phật tử, nhân dân khách thập phương đến vãn cảnh và tụng kinh niệm phật.

Song, trong cuộc đấu tranh giữ nước, giữ làng, thực hiện phong trào “tiêu thổ kháng chiến," ngôi chùa cổ đã bị phá dỡ. Hòa bình lập lại, nhân dân An Động lại cùng nhau công đức tiền của để phục dựng ngôi chùa mang dáng vẻ truyền thống năm xưa.

Hiện chùa An Động gồm tòa Tam Bảo to lớn, kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian Tiền đường, 3 gian thượng điện, bộ khung gỗ, mái ngói. Trên con rường, đầu dư, cốn, bẩy… đều soi gờ chỉ. Ngăn giữa Tiền đường và Thượng điện là bức cửa võng chạm trổ “phù dung và chim trĩ” tỉnh xảo, nghệ thuật, sơn son thiếp vàng lộng lẫy… tạo nên một không gian thờ tự tôn nghiêm, linh thiêng.

Tiền đường có vì nóc kiểu con chồng giá chiêng, liên kết với 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Thượng điện 3 gian, vì nóc kiểu con chồng giá chiêng, được liên kết bởi 4 hàng cột dọc và 2 hàng cột ngang.

Trên các bộ phận như con rường, đầu dư, cốn, bẩy… đều được soi gờ chỉ. Ngăn giữa tiền đường và thượng điện là bức cửa võng chạm trổ “phù dung và chim trĩ” tinh xảo nghệ thuật, sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Phía bên phải tòa Tam bảo là nhà mẫu gồm 3 gian. Đằng sau tam bảo là dãy nhà cấp 4, nơi thờ Tổ và nhà sư ở.

Chùa An Động có ngày hội chùa vào 15 tháng Giêng. Phần lễ có dâng hương hoa, cỗ chay thờ Phật và tụng kinh lễ Phật nhằm cầu may cho dân làng và khách thập phương.

Phần hội diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong lễ hội. Các ngày sự lệ và các hoạt động tôn giáo diễn ra tại di tích được đông đảo nhân dân tham gia, góp phần phát huy giá trị của di tích.

Phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc như hát giao lưu Quan họ, kéo co, thi đấu bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, chọi gà… Đây cũng là dịp để mọi người làm ăn xa quê về nguồn cội, thưởng thức nét đẹp văn hóa quê hương sau những ngày lao động vất vả.

Chùa An Động được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 04/8/2011./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục