Lãnh đạo Eurozone họp khẩn cấp để tìm giải pháp

Lãnh đạo Eurozone ngày 21/7 họp khẩn cấp tại Brussel, tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành ở lục địa già.
Lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 21/7 nhóm họp khẩn cấp tại Brussel (Bỉ) để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành ở lục địa già, mà tâm điểm là Hy Lạp - quốc gia đang cần gấp gói cứu trợ thứ hai có quy mô tương tự gói cứu trợ thứ nhất, để tránh nguy cơ tạo ra hiệu ứng "domino" vỡ nợ công ở khu vực này.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã lên tiếng cảnh báo “không ai được phép ảo tưởng: tình hình là rất nghiêm trọng. Nó đòi hỏi phải có phản ứng, ngược lại, hậu quả tiêu cực sẽ không chỉ tác động tới tất cả các nước châu Âu, mà còn lan ra phạm vi toàn cầu."

Theo ông Barroso, hội nghị thượng đỉnh lần này ít nhất cũng phải thống nhất được các biện pháp rõ ràng để đảm bảo tính bền vững cho khu vực tài chính công của Hy Lạp.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng nếu không nhất trí được một giải pháp có hiệu quả, thì "cái giá phải trả" sẽ là quá đắt, không chỉ đối với Eurozone, mà cho cả nền kinh tế toàn cầu.

Những cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước thành viên Khu vực đồng euro thời gian qua vẫn bất đồng quan điểm về quy mô, cơ cấu gói cứu trợ tài chính thứ hai cho Hy Lạp, nước hiện đang phải "oằn mình" gánh khoản nợ công khổng lồ lên tới 340 tỷ euro (480 tỷ USD, tương đương 150% GDP) và không còn khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Theo nguồn tin mới nhất, ngay trước thềm hội nghị, Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, đã đạt được "lập trường chung" về gói cứu trợ thứ hai cho xứ sở "Thần thoại."

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng "căn bệnh" nợ công ở châu Âu đã chuyển sang giai đoạn "rất trầm trọng", khi có tới gần 1/3 số nước thành viên Khu vực đồng euro "bị" nghi ngờ về khả năng trả nợ, dẫn tới có thể làm lung lay cả vị thế của đồng tiền chung châu Âu.

Do đó, việc chỉ đạt được thỏa thuận về gói giải cứu thứ hai cho Hy Lạp, mặc dù rất quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ để cứu đồng ơrô tránh khỏi nguy cơ "chết yểu" và nền kinh tế toàn cầu lại một lần nữa rơi vào trạng hỗn loạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục