Ngày 29/12, Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức buổi gặp mặt báo chí và bầu chọn vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu toàn quốc năm 2022.
Tại sự kiện, lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao đã trao đổi kỹ hơn về trường hợp các vận động viên dính doping tại SEA Games 31 khi chia sẻ về các sự kiện thể thao nổi bật nhất trong năm qua.
[Bầu chọn vận động viên, huấn luyện viên thể thao tiêu biểu năm 2022]
Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Đặng Hà Việt, cho biết: “Tôi và nhiều lãnh đạo đã sốc khi biết biết tin. Thể thao Việt Nam luôn nói không với chất cấm và kiểm soát rất chặt từ từng trung tâm huấn luyện thể thao. Thông tin vận động động viên dính doping khiến mọi người phải bàng hoàng. Nhưng như đã chia sẻ, sự cố đến từ nhiều nguồn không kiểm soát được như vận động viên sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc uống...
Lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết vận động viên dính doping và các bên liên quan đã phải trải qua nhiều phiên điều trần. Nguyên nhân khiến các vận động viên nhiễm chất cấm nằm ở việc sử dụng một số loại thuốc và thực phẩm chức năng.
Theo đó, trên nhãn mác các loại thực phẩm không có ghi thành phần chất cấm dẫn đến việc vận động viên sử dụng sau khi tìm hiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, một số loại thực phẩm vẫn tồn tại chất cấm sau khi được Tổng cục Thể dục Thể thao gửi qua Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kiểm tra.
Ông Đặng Hà Việt cho hay: “Đây là bài học cho thể thao Việt Nam về việc kiểm soát nguồn và chất lượng của các loại thực phẩm chức năng trong thể thao. Chúng tôi đã ngay lập tức ban hành thông tư nhằm quy định vận động viên chỉ được sử dụng thực phẩm, thuốc được cấp phép của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).”
Đồng quan điểm với ông Đặng Hà Việt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn cho rằng sự cố vận động viên Việt Nam "dính" doping tại SEA Games 31 chỉ là tai nạn.
Ông Phấn nói: “Tôi đồng hành với thể thao Việt Nam nhiều năm và nhiều lần đồng hành cùng Đoàn thể thao Việt Nam tham dự các kỳ SEA Games trên nước bạn. Trước đây, thể thao Việt Nam chưa từng gặp trường hợp thế này nhưng điều không may lại xảy ra ở chính kỳ SEA Games trên sân nhà.”
Sự việc 5 vận động viên nhiễm doping tại SEA Games 31 trở thành “nốt trầm” của ngành thể thao Việt Nam trong năm 2022 dù đạt được nhiều thành công như tổ chức thành SEA Games 31, Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 cùng với thành tích cao từ đội tuyển bóng đá nam và nữ Việt Nam.
Các vận động viên kể trên vẫn đang được giữ kín danh tính và chỉ được công bố sau khi Cơ quan phòng chống doping Thế giới (WADA) đưa ra kết luận chính thức cuối cùng. Khi đó, án phạt và mức kỷ luật cụ thể mới được đưa ra.
Những người dính doping tại SEA Games 31 không góp mặt trong danh sách đề cử của giải thưởng Vận động viên tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Kết quả cuộc bầu chọn giải thưởng danh giá nhất ngành thể thao Việt Nam sẽ được công bố vào ngày 1/1/2023./.
Thể thao Việt Nam hướng đến SEA Games 32 và ASIAD trong năm 2023 Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt khẳng định hai mục tiêu quan trọng nhất của thể thao Việt Nam trong năm mới nằm ở SEA Games 32 tại Campuchia và ASIAD ở Trung Quốc. Cụ thể, Đoàn thể thao Việt Nam hướng đến vị trí thứ ba chung cuộc tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023, trong khi cố gắng đoạt từ 3 đến 5 huy chương vàng tại sự kiện ASIAD. |