Lễ hội trình diễn trang phục 54 dân tộc Việt Nam

Hơn 200 loại trang phục của 54 dân tộc anh em sẽ được trình diễn tại Lễ hội trình diễn trang phục các dân tộc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội.
Lễ hội trình diễn trang phục các dân tộc lần thứ nhất đã khai mạc ngày 26/11 tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, xã Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Lễ hội do Ủy ban Dân tộc (Quốc hội) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 26-28/11, thu hút 235 thí sinh đến từ 52 đoàn, gồm trên 200 loại trang phục của 54 dân tộc anh em. Đây cũng là dịp để bà con dân tộc ba miền có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu phong tục tập quán của nhau.

Trong tiết trời giao hòa, giữa không gian sông núi hữu tình của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam rực rỡ sắc màu đón chào hàng trăm người con ưu tú bản làng của 54 dân tộc anh em hội tụ giao lưu văn hóa, trình diễn trang phục độc đáo.

Mỗi bản làng, mỗi dân tộc và con người ở các vùng miền có nét đặc trưng riêng nhưng khi về đây họ “là con một nhà,” tái hiện một cách rõ nét và sinh động dân tộc Việt Nam đoàn kết và thống nhất.

Nhạc sỹ An Thuyên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Lễ hội trình diễn trang phục dân tộc không giấu nổi cảm xúc: "Thật là hạnh phúc và may mắn khi được tận mắt thấy sự tập hợp tất cả trang phục của các dân tộc ít người. Tôi đã là người từng trải đi nhiều đến các bản làng và viết nhiều tác phẩm về đồng bào dân tộc, nhưng không thể tưởng tượng nổi và rất bàng hoàng, tự hào trước sự phong phú đa dạng, nhiều màu sắc của văn hóa Việt Nam."

Mỗi một bộ trang phục trình diễn tại lễ hội là một nét đẹp riêng phản ánh sinh hoạt đời thường và lễ hội các vùng dân tộc. Trang phục của cô dâu Khmer có vẻ đẹp ở những hạt kim sa lấp lánh, điểm nhấn là bộ kiềng đeo tay và chân. Còn trang phục của người Dao tiền (Tuyên Quang) có những đồng tiền xu gắn hai bên viền vạt thân áo với những chiếc xà tích ở thắt lưng bằng bạc. Trang phục của dân tộc Mường cũng có nét đặc sắc như nam thường mặc áo cánh phủ kín mông, xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai…

Và còn rất nhiều bộ trang phục khác của tất cả đồng bào trong cả nước. Mỗi bộ trang phục đều có kiểu dáng, họa tiết, chất liệu khác nhau, kèm theo là những bước đi, điệu nhạc, tiếng khèn đặc trưng với những lời giới thiệu quảng bá đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc mình.

Giáo sư-tiến sỹ Hoàng Nam, giảng viên khoa Văn hóa dân tộc trường Đại học Văn hóa Hà Nội đánh giá cao chương trình biểu diễn trang phục dân tộc ở hai khía cạnh. Thứ nhất, trên lĩnh vực chính trị, xã hội đã hiện thực hóa chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền bình đẳng, tôn trọng các dân tộc. Thứ hai trên lĩnh vực văn hóa đây còn là cơ hội cho các dân tộc trực tiếp giao lưu, tìm hiểu và phát huy văn hóa tốt đẹp của nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục