Lên kế hoạch bồi thường tái định cư dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài

Giai đoạn 1 áp dụng cho tất cả các trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp vừa có đất ở, vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn.

Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Trảng Bàng, cửa ngõ vào tỉnh Tây Ninh từ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Trảng Bàng, cửa ngõ vào tỉnh Tây Ninh từ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ tái định cư Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố (Ban Giao thông) về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn huyện Củ Chi.

Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất, tiến hành chi trả từ tháng 4/2025 (đối với đất nông nghiệp và đất ở mà người dân đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng trước hạn).

Việc bàn giao mặt bằng từ tháng 4/2025 nhằm phục vụ khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án thành phần 3.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Thường trực Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố đề nghị Ban Giao thông phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi biên soạn tài liệu tuyên truyền, vận động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án trên địa bàn huyện Củ Chi. Các công việc này thực hiện trước ngày 5/9.

Trong thời gian chờ ban hành thông báo thu hồi đất, huyện Củ Chi thành lập các Tổ công tác để vận động người dân có nhà, đất bị ảnh hưởng trong dự án đồng thuận cho đo đạc, kiểm đếm, cung cấp hồ sơ pháp lý trước khi ban hành thông báo thu hồi đất.

Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi phối hợp Ban Giao thông khẩn trương phổ biến các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai 2024, lập kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất cho tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng, hoàn thành trước ngày 10/9.

Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi khẩn trương điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thu thập hồ sơ pháp lý, xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng theo quy định, phấn đấu hoàn thành trước 30/10.

“Do đặc thù pháp lý đất đai hết sức phức tạp, đồng thời tiến độ thực hiện dự án yêu cầu rất cấp bách, Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tăng cường hỗ trợ các xã, đảm bảo tiến độ đề ra”, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến thực hiện theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 áp dụng cho tất cả các trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp vừa có đất ở, vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn theo Điều 85 Luật Đất đai 2024.

Giai đoạn 2 áp dụng cho các trường hợp còn lại (các hộ có đất ở không đồng thuận cho thu hồi đất trước theo Khoản 2 Điều 85 Luật Đất đai 2024).

Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tổng mức đầu tư sơ bộ 19.617 tỷ đồng; trong đó, nhà đầu tư khoảng 9.943 tỷ đồng và vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 9.674 tỷ đồng.

Tuyến có tổng chiều dài khoảng 51 km, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 24,7 km và qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3 km.

Điểm đầu dự án kết nối với đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), điểm cuối giao với Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Dự kiến sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 409 ha, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc; dự án thành phần 3 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh; dự án thành phần 4 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc, đoạn qua tỉnh Tây Ninh.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, điểm thuận lợi là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài được áp dụng những cơ chế đặc thù tương tự như dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trong giải phóng mặt bằng.

Đó là giải phóng mặt bằng được tách ra thành một dự án độc lập, phê duyệt ranh ở giai đoạn từ khi có chủ trương đầu tư đến khi duyệt dự án khả thi, qua đó rút ngắn thời gian được 6 - 8 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục